Bắc Giang đang ngày càng khẳng định mục tiêu “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” bằng những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp.
Những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt nhiều kết quả tích cực, gia tăng tính bền vững. Bắc Giang ngày càng khẳng định mục tiêu “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” bằng những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp.
* Khơi dậy ý chí tự lực vươn lên
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh bình quân 1%/năm. Đến nay, Bắc Giang luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021- 2023 của tỉnh giảm 1,32%/năm.
Năm 2021 là năm đầu tiên trong giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 5,27%, đến năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,81% và năm 2023 giảm còn 2,63%. Không chỉ giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tính bền vững trong công tác giảm nghèo của Bắc Giang cũng ngày càng tăng lên. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ tái nghèo bình quân của tỉnh chiếm 0,64%, đến giai đoạn 2021-2023 giảm còn 0,39%.
Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Để có được kết quả trên, cách làm của tỉnh là huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo.
Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là một trong số huyện nghèo của cả nước. Từ năm 2020 đến 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 5%/năm, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu giảm bình quân 2,5-3,0%); riêng năm 2023, huyện giảm 5,23% hộ nghèo (mục tiêu là 4%). Các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn huyện đang tập trung thực hiện các giải pháp để đưa Sơn Động thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Tống Thị Hương Giang cho biết, huyện đã kết hợp các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, với việc quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Thực hiện Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo (dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025), với nguồn vốn được phân bổ đến nay là trên 374,4 tỷ đồng, Sơn Động đã thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây mới 5 công trình giao thông liên xã phục vụ lưu thông hàng hóa và công tác dân sinh, 4 trạm y tế phục vụ khám sức khỏe cho trên 3,5 nghìn hộ dân. Huyện cũng tiến hành duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng 44 công trình đường giao thông liên thôn, trạm bơm, cứng hóa kênh mương. Qua đó, củng cố cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, dân sinh; tạo liên kết vùng, thúc đẩy giao thương phát triển, góp phần giảm nghèo bền vững. Bắc Giang phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,8%, cuối năm 2025 còn 0,9%.
* Ưu tiên nguồn lực cho vùng khó
Nguồn vốn phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2024 là gần 720,7 tỷ đồng, thực hiện 7 dự án thành phần. Các cấp, ngành địa phương trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo, ưu tiên nguồn lực cho vùng khó và áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của người nghèo để đạt hiệu quả cao nhất.
Giai đoạn 2021- 2023 thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo (dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững), Bắc Giang triển khai 230 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, gồm 27 dự án trồng trọt và 203 dự án chăn nuôi; tổng số hộ hưởng lợi 2.297 hộ nghèo, 1.840 hộ cận nghèo tham gia, 335 hộ thoát nghèo.
Lục Nam là một trong những huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Năm 2024, thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, UBND huyện đã phân bổ vốn giao cho các xã, thị trấn làm chủ đầu tư thực hiện 25 dự án hỗ trợ các hộ dân tham gia sản xuất chăn nuôi, trồng trọt với tổng kinh phí hơn 5,1 tỷ đồng.
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lục Nam Vũ Hoài Sơn cho biết, để việc hỗ trợ người dân phát huy hiệu quả, các cấp chính quyền huyện phổ biến nội dung, hình thức hỗ trợ nhưng không áp đặt mà để người dân tự quyết định, lựa chọn cây, con giống phù hợp với thực tiễn sản xuất của gia đình, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Cùng đó, đưa các hộ có kinh tế, có kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi vào thành các tổ để giúp đỡ các hộ nghèo.
Nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo của xã do sức khỏe yếu, chị Đỗ Thị Mai, sinh năm 1984, thôn Khiêu, thị trấn Phương Sơn, Lục Nam được hỗ trợ 450 con gà giống để tạo sinh kế từ Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chị được cán bộ cơ sở hướng dẫn xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Chị Mai cho biết, chị lựa chọn chăn nuôi gà vì thấy phù hợp với điều kiện của gia đình. Ngoài ra, trong thôn cũng có nhiều hộ nuôi gà lâu năm nên có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ. Đàn gà nhà chị đang phát triển tốt. Dự kiến cuối năm gia đình chị sẽ thoát khỏi hộ nghèo.
Để bù đắp thiếu hụt về nhà ở cho người nghèo, cận nghèo trong khi ngân sách hỗ trợ còn hạn chế, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã tăng cường tuyên truyền vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Năm 2024, số hộ nghèo, cận nghèo và người có công có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở trên địa bàn huyện là 156 hộ. Sau 7 tháng phát động, cấp ủy, chính quyền các cấp đã vận động được trên 5,1 tỷ đồng tiền mặt, trên 2.700 ngày công và nguyên vật liệu xây dựng, đồ dùng sinh hoạt trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn năm 2024.
Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được cải thiện, nâng lên rõ rệt, đặc biệt bản thân các hộ nghèo đã có nhiều chuyển biến về nhận thức, tự cố gắng vươn lên thoát nghèo. Hằng năm, ở Bắc Giang có hàng trăm hộ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Riêng năm 2023, toàn tỉnh có 113 hộ tự nguyện xin thoát nghèo./.
- Từ khóa:
- Bắc Giang
- giảm nghèo
- hiệu quả
- chính sách
- linh hoạt