Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã đưa vào nghị định, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ký vào cuối năm 2022, quy định rất rõ việc truyền hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thông tin - truyền thông, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã đưa vào nghị định, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ký vào cuối năm 2022, quy định rất rõ việc truyền hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội.
Theo đó, chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream; phải công bố địa điểm, thời gian khi livestream; dùng livestream bán hàng, có thu phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Trao cơ hội cho doanh nghiệp số Việt Nam
Trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) về khả năng đáp ứng yêu cầu của ngành đối với Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, nhất là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay Việt Nam đã đưa cáp quang đến được 93% thôn bản và là một trong số ít các nước trên thế giới có tỷ lệ này tương đối cao. Giá cả Internet, dịch vụ viễn thông nằm trong nhóm 20 quốc gia rẻ nhất trên thế giới. Trung bình mỗi người dân trả 55 nghìn đồng/tháng cho việc dùng điện thoại và Internet (tương đương 2,6 USD).
Về khả năng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam viết, phát triển các nền tảng số, ứng dụng số để phục vụ ngành Giáo dục, Bộ trưởng khẳng định, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam “có thể đáp ứng được, đáp ứng tốt và giá rẻ, phù hợp hơn nước ngoài”.
“Các doanh nghiệp Việt Nam còn đi làm chuyển đổi số cho nước ngoài như Nhật Bản, Hoa Kỳ… huống gì không làm được cho Việt Nam. Vấn đề là ngành Giáo dục, các bộ ngành, địa phương hãy đặt ra nhiều bài toán hơn nữa, bài toán càng thách thức, càng khó bao nhiêu, đấy chính là cách cho doanh nghiệp số Việt Nam phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cách đây 4 năm, Việt Nam có dưới 40.000 doanh nghiệp công nghệ số, đang tiến đến con số 75.000. Mục tiêu Chính phủ đặt ra, đến năm 2025 có 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
“Hãy tin vào doanh nghiệp số Việt Nam, trao cho họ nhiều cơ hội hơn - Đó là một trong những cách tự lực, tự cường Việt Nam”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân và các giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên do đại biểu Đinh Công Sỹ nêu, Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông cho biết, theo Luật An toàn thông tin mạng, dữ liệu cá nhân được coi là tài sản cá nhân. Mỗi người dân phải bảo vệ tài sản cá nhân của mình.
Cùng với đó, các doanh nghiệp thu thập thông tin phải thực hiện đúng pháp luật như phải có hợp đồng mẫu giữa doanh nghiệp và khách hàng, nói rõ mục đích sử dụng khi thu thập thông tin, quy định thế nào, có đưa cho bên thứ 3 hay không? Bộ đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp 2 lần với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông về việc thu thập, xử lý, đảm bảo an toàn thông tin.
Đến năm 2023 sẽ thanh tra các doanh nghiệp bưu chính và các mạng xã hội lớn trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, về hành lang pháp lý, Bộ Công an đang ở những bước cuối cùng ra nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các nước ASEAN cơ bản có luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt, vấn đề xử lý mang tính răn đe.
“Mong các đại biểu Quốc hội xem xét để chúng ta có sự điều chỉnh phạt các doanh nghiệp vi phạm trên doanh thu thay vì giá trị tuyệt đối”, Bộ trưởng nêu; đồng thời thông tin việc dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ lấy năm 2023 làm Năm Dữ liệu số Việt Nam để nâng cao nhận thức, làm tốt việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Rất nhiều quảng cáo sai quy định pháp luật
Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) về vấn nạn quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khoảng 2-3 năm vừa qua có một hình thức quảng cáo mới - mạng lưới quảng cáo trung gian (ad network), tức các báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tin điện tử… bán khoảng trống trên bề mặt trang nhất của mình, sau đó công ty quảng cáo nước ngoài đưa các nội dung quảng cáo".
Bộ Thông tin và Truyền thông đã sửa các văn bản, nghị định, tổ chức thanh tra, kiểm tra, các cơ quan báo, tạp chí, trang tin điện tử đã ý thức hơn việc này. Các quảng cáo trên các phương tiện này được quản lý tương đối tốt. Hiện chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới: Facebook, Youtube…, rất nhiều quảng cáo sai quy định pháp luật”, Bộ trưởng cho biết.
Về các giải pháp xử lý vấn nạn này, Bộ trưởng nêu, hiện đã có quy định pháp luật nên trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo. Bên cạnh đó, những thông tin sai sự thật, nhất là quảng cáo các thực phẩm chức năng (thuộc các bộ chuyên ngành) sẽ phải xác minh xem quảng cáo đúng pháp luật hay chưa.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, địa phương trong thẩm quyền của mình cùng vào cuộc, cùng rà soát không gian, lĩnh vực của mình, thẩm tra, đánh giá. Bộ Thông tin và Truyền thông có thể rà quét, phát hiện, nhưng về mặt pháp luật, để khẳng định sai phạm phải do các bộ chuyên ngành. Bộ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay xử lý vấn đề quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới.
Tương tự, trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) về việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến nước ngoài, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định, mạng xã hội kinh doanh trên dữ liệu cá nhân, thu thập dữ liệu cá nhân. Năm 2019, các nền tảng mạng xã hội Việt Nam có khoảng 40 triệu tài khoản, đến nay, 10 mạng xã hội Việt Nam lớn nhất có khoảng 130 triệu tài khoản.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các quốc gia ý thức rất lớn vấn đề này nên các khung phạt vi phạm rất lớn, có khi hàng tỷ USD với các doanh nghiệp kinh doanh, thu thập; mức phạt tù có thể lên đến 10 năm. Bộ trưởng nhắc lại việc Việt Nam sẽ có nghị định, tiến tới có luật riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân - hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ thông tin cá nhân.
Thể chế là số một
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) về việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số… nhưng “chưa quan tâm” công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông coi thể chế là đầu tiên, là số một. Lấy ví dụ về vấn đề thể chế “đi sau” trong xử lý vụ việc livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, Bộ trưởng cho biết, khi đó chúng ta chưa có quy định pháp luật về quản lý hành vi livestream trên mạng xã hội.
Sau vụ việc đó, chúng ta dùng các thể chế cũ để xử phạt hành chính 2 lần, sau đó chuyển cho cơ quan hình sự, Công an đang xử lý. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký vào cuối năm 2022, quy định rất rõ việc này. Theo đó, chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream; đã livestream phải công bố địa điểm, thời gian; dùng livestream bán hàng, có thu phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.
Về vấn đề cát cứ dữ liệu công của các cơ quan Nhà nước, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, về luật pháp, không có dữ liệu bộ, ngành, địa phương, mà chỉ có dữ liệu của Chính phủ. Chính phủ sẽ quyết định việc chia sẻ, sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, về tâm lý, có tình trạng sau khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu nhưng chưa yên tâm về độ chính xác nên còn đắn đo, cân nhắc trong việc sử dụng.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu rất lớn, nhưng cho nhiều cơ quan nối vào, có tâm lý e ngại dẫn đến những sự cố công nghệ kỹ thuật khi đấu nối vào những cơ sở dữ liệu không đảm bảo an toàn, chưa kể dữ liệu còn là một loại tài sản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 8 cơ sở dữ liệu đã kết nối, chia sẻ hiện đang hoạt động hiệu quả, "không có chuyện cát cứ". Đây là những kinh nghiệm ban đầu trong việc triển khai công tác kết nối các cơ sở dữ liệu.
"Năm 2023 dự kiến là Năm Dữ liệu số Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức yêu cầu các bộ, ngành, địa phương công khai các dữ liệu và chia sẻ khi hoàn thành; đồng thời sẽ đề xuất cơ quan làm 'nhạc trưởng' cho việc hoàn thành cơ sở dữ liệu. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng trong năm 2023", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.