Long An phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân đầu người đạt 105-110 triệu đồng; tỷ lệ vốn đầu tư xã hội trên GRDP đạt bình quân 31-33%; thu ngân sách nhà nước tăng 12% so với năm 2023...
TTXVN - Ngày 25/12, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Long An phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt từ 8,0-8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 105-110 triệu đồng; tỷ lệ vốn đầu tư xã hội trên GRDP đạt bình quân 31-33%; thu ngân sách nhà nước tăng 12% so với năm 2023. Tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%…
Để đạt kế hoạch đề ra, các sở, ngành địa phương tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với khu vực có quy hoạch chung được duyệt; hướng dẫn, nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc trên phạm vi toàn tỉnh. Các địa phương, đơn vị tập trung phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp; thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo (linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ bán dẫn), công nghiệp năng lượng, công nghệ sinh học; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, dịch vụ cảng, logistics…
Long An chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn với nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, áp dụng mô hình, công cụ quản trị tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao tỷ trọng đóng góp TFP vào tăng trưởng của tỉnh. Địa phương huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư công trình trọng điểm, công trình thuộc chương trình đột phá, hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước, đô thị, văn hóa - xã hội…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được yêu cầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, lề lối làm việc, “dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không sợ sệt, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm”. Các ngành, địa phương tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết năm 2024 và về đích sớm tất cả mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đảng các cấp đề ra.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu, lãnh đạo sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, giải quyết hiệu quả vấn đề ngắn hạn và dài hạn, trong đó vừa đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, vừa nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP Long An đạt 5,77%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn ở mức khá so với cả nước (cả nước dự báo tăng trên 5%). GRDP bình quân đầu người đạt 96,42 triệu đồng (tăng 6,28 triệu đồng so với năm 2022); thu ngân sách nhà nước ước 20.159 tỷ đồng, đạt 100% dự toán tỉnh giao./.
- Từ khóa:
- Long An
- tăng trưởng kinh tế
- 8
- 0-8
- 5% năm 2024