Thời sự

Lữ đoàn Đặc công Bộ 198: Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Đắk Lắk

Xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân sự, Trung đoàn Đặc công 198 được thành lập, có nhiệm vụ bám đánh các căn cứ, hậu cứ địch và sẵn sàng cơ động tác chiến.

Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 198 thực hành võ chiến đấu đặc công. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Cách đây 50 năm, trước yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 19/8/1974, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra Quyết định số 455/QĐ thành lập Trung đoàn Đặc công 198 (nay là Lữ đoàn Đặc công Bộ 198). Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, xây dựng truyền thống vẻ vang với nhiều chiến công vang dội.

Anh dũng trong chiến đấu

Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 198 huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm với thể lực bền bỉ. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Ngược dòng thời gian quay về quá khứ, lúc bấy giờ, Tây Nguyên được ví như “Nóc nhà Đông Dương”, chiếm giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động quân sự của các bên tham chiến. Xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân sự, Trung đoàn Đặc công 198 được thành lập, có nhiệm vụ bám đánh các căn cứ, hậu cứ địch và sẵn sàng cơ động tác chiến.

Ngay sau khi được thành lập, Trung đoàn đã khẩn tr­ương củng cố tổ chức; ổn định nơi ăn, ở; xây dựng lực l­ượng; huấn luyện bổ sung, triển khai công tác chuẩn bị chiến tr­ường, mục tiêu, cách đánh, cơ sở vật chất cho những trận đánh lớn. Rạng sáng 10/3/1975, Trung đoàn Đặc công 198 đồng loạt nổ súng đánh vào sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, kho đạn Mai Hắc Đế và sân bay Hoà Bình - trận then chốt, mở màn chiến dịch Tây Nguyên.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mạnh Hùng, Nguyên là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 4 Trung đoàn Đặc công 198 cho biết, trận đánh vào kho Mai Hắc Đế do ông chỉ huy. Kho Mai Hắc Đế là kho đạn dự trữ lớn nhất của địch ở Tây Nguyên, được địch bảo vệ rất cẩn trọng với hệ thống vật cản tinh vi, phức tạp.

“Đây là trận đánh đầu tiên của Trung đoàn, anh em khí thế lắm. Lúc bấy giờ, anh em không sợ mìn, chỉ gặp khó khăn ở hàng rào tôn của địch, phải đào lỗ, chui luồn qua. Nhớ nhất là khi địch từ trong ném quả lựu đạn ra, một đồng chí mũi phó hy sinh, một đồng chí bị thương nhưng đã cố gắng không phát ra tiếng kêu để bảo vệ lực lượng còn lại. Sau 3 giờ chiến đấu liên tục, ác liệt, đến 5 giờ sáng, quân ta tiêu diệt toàn bộ Ban Chỉ huy kho, đánh thiệt hại nặng hai trung đội bảo vệ của địch. Trong 16 anh em cùng chiến đấu, có 7 anh em đã anh dũng hy sinh” - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mạnh Hùng xúc động kể lại.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Tây Nguyên và tham gia giải phóng Đà Lạt, Trung đoàn đ­ược lệnh tiến công vào Sài Gòn, đánh chiếm và chốt giữ chắc các cầu trọng yếu, bảo đảm hành lang cơ động cho bộ binh thọc sâu, nhanh chóng vào giải phóng Sài Gòn. Như­ vậy, chỉ sau 9 tháng thành lập, Trung đoàn đã tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 chiến dịch lớn, góp phần cùng quân và dân cả n­ước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã đánh hơn 200 trận, diệt hơn 2.000 tên địch, bắt sống 1.614 tù binh; phá hủy hơn 1.000 tấn bom đạn, 30 máy bay, 100 xe quân sự… của địch.

Sau giải phóng, Trung đoàn tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Với những chiến công oanh liệt trong chiến đấu, đơn vị đã vinh dự được tặng thưởng nhiều Huân chương, danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước cho tập thể và các cá nhân. Đặc biệt, ngày 3/6/1976, Trung đoàn Đặc công Bộ 198 đư­ợc phong tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng Lực l­ượng vũ trang nhân dân.

Viết tiếp truyền thống vẻ vang

Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 198 huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Phát huy truyền thống vẻ vang, những năm qua, Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tự lực, tự cường, đoàn kết xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, giữ vững và phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", truyền thống của Bộ đội Đặc công anh hùng.

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Hiếu, Chính trị viên Liên đội 20, Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 cho biết, nhận thức rõ vinh dự, tự hào, những năm qua, anh không ngừng học hỏi, tích cực nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng. Đồng thời, anh bám sát thực tiễn công tác, tích cực nghiên cứu, sáng tạo để ứng dụng vào công việc, rèn luyện lễ tiết tác phong, nói đi đôi với làm, xây dựng đoàn kết nội bộ. Qua đó, anh đạt nhiều giải, danh hiệu; được Bộ Quốc phòng, Binh chủng, Lữ đoàn tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Là nhân viên quân khí phòng Hậu cần kỹ thuật, Lữ đoàn Đặc công Bộ 198, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thọ Trung đã bám sát đối tượng huấn luyện, sáng tạo những công cụ hiệu quả cao, dễ sử dụng, phù hợp trang bị cho từng cá nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ. Tiêu biểu như các sáng kiến: “Bộ đồ sửa chữa, hiệu chỉnh súng ngắn K54, K59”, “Bộ đồ tháo, lắp đạn cối 82mm”... Các sáng kiến đã đạt được nhiều giải các cấp lữ đoàn, binh chủng, toàn quân.

Bên cạnh đó, những năm qua, Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; sáng kiến, cải tiến, mô hình học cụ; củng cố, xây dựng thao trường, bãi tập; coi trọng huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại dài ngày. Bên cạnh đó, đơn vị phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa; phát hiện và nhân rộng nhiều điển hình tiên tiến; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu kết nghĩa; làm tốt công tác dân vận, tích cực triển khai các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Xây dựng nông thôn mới”, qua đó để lại dấu ấn tích cực trong lòng nhân dân và cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Gia đình bà H’Blơn Êban, buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk được Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 hỗ trợ 30 triệu đồng cùng ngày công lao động để xây dựng nhà đại đoàn kết rộng 70m2. Bà H’Blơn Êban chia sẻ, có căn nhà che nắng che mưa, hai vợ chồng yên tâm lao động sản xuất, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, cùng với bộ đội đặc công và cấp ủy, chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự và cuộc sống bình yên trong buôn.

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Duẩn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Đặc công, có thể khẳng định rằng, trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 đã luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong thời kỳ đổi mới, nhất là những năm gần đây, Lữ đoàn luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của Binh chủng.

Đại tá Nguyễn Minh Mạnh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 cho biết, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực cùng với bối cảnh thực tiễn đòi hỏi Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 cần tiếp tục có sự bổ sung, phát triển mới. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ Lữ đoàn nguyện đoàn kết, thống nhất một lòng, không ngừng nâng cao chất lượng, trình độ, khả năng tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xử lý linh hoạt các tình huống; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Đồng thời, Lữ đoàn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, tăng cường công tác giáo dục chính trị, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; giữ vững và củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân - dân, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa ph­ương…

Chặng đường nửa thế kỷ đã đi qua với rất nhiều thăng trầm, dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 là thời điểm khẳng định vị trí, vai trò, sức mạnh chiến đấu của đơn vị. Đây cũng là hoạt động chính trị sâu sắc, thiết thực để mỗi cán bộ, chiến sĩ thêm vinh dự, tự hào trước lịch sử, truyền thống vẻ vang của đơn vị, từ đó thấy rõ trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang lên tầm cao mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

Hoài Thu

Xem thêm