Với 260 điều khoản, Luật đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý minh bạch, giúp người dân Hà Nội và cả nước được thực hiện đầy đủ các quyền một cách hợp pháp và an toàn.
Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, được coi là bước đột phá trong quản lý và sử dụng đất nhằm khai thác tối đa tiềm năng, giá trị của nguồn lực đất đai. Với 260 điều khoản, Luật đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý minh bạch, giúp người dân Hà Nội và cả nước được thực hiện đầy đủ các quyền một cách hợp pháp và an toàn. Luật cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế.
*Bảo vệ quyền lợi của người dân
Từ những ngày đầu áp dụng Luật đất đai 2024, tại Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh Ba Đình - Hoàn Kiếm - Đống Đa (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) luôn có hàng chục người dân đến đăng ký cấp đổi, gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kiểm tra quy hoạch hoặc thực hiện các giao dịch cho tặng, chuyển nhượng.
Một cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa cho biết, "Sau khi tìm hiểu và được nghe giải thích về các quy định mới, người dân đến nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa. Đối với hồ sơ đầy đủ giấy tờ, chúng tôi đã kiểm tra, giải quyết kịp thời nhu cầu của công dân theo đúng giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả".
Với ông P.T (trú tại quận Cầu Giấy) đang sở hữu một mảnh đất thừa kế từ gia đình nhưng không có "sổ đỏ" thì việc xin cấp "sổ đỏ" từng là một hành trình dài đầy khó khăn với nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai 2024, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn với thủ tục đơn giản hơn rất nhiều. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, ông P.T nhận phiếu hẹn thông báo "sổ đỏ" sẽ được trả trong vòng chưa đầy một tháng.
Anh N.T.D (hộ khẩu tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết, mặc dù đây là thời điểm áp dụng Luật Đất đai mới nhưng việc sang tên "sổ đỏ" của gia đình anh vẫn diễn ra theo lịch hẹn, không có vướng mắc. Thời hạn giải quyết hồ sơ là 15 - 17 ngày. Tuy nhiên, trường hợp "sổ đỏ" của gia đình anh N.T.D đang cần được điều chỉnh lại diện tích đất do có chỗ chưa chính xác. Anh đã được cán bộ ở đây hướng dẫn về Phòng Tài nguyên và Môi trường quận làm thủ tục đăng ký, vì theo Luật mới nội dung này đã được giao cho các quận, huyện thực hiện.
Ông Lê Mạnh Đức (huyện Thạch Thất) không khỏi phấn khởi khi Luật Đất đai 2024 được áp dụng sớm hơn 5 tháng so với dự định.
Theo ông Đức, căn nhà hiện tại của gia đình ông do cha ông để lại, đã tồn tại từ năm 1980 nhưng chưa được cấp "sổ đỏ" vì giấy tờ cũ thất lạc; những cán bộ địa chính có thể chứng minh nguồn gốc mảnh đất đều không còn. Theo Điều 138, 139 và 140 của Luật Đất đai 2024 quy định cấp "sổ đỏ" cho 3 trường hợp với những tiêu chí cụ thể, nhưng tựu trung, người dân có đất ở ổn định từ năm 2014 trở về trước như ông Đức, không thuộc trường hợp đất có tranh chấp sẽ được hợp thức hóa giấy tờ về quyền sử dụng đất. Điều này, giúp tài sản đất đai của người dân được công nhận giá trị pháp lý và giúp giá trị bất động sản của họ gia tăng…
Một điểm mới của Luật Đất đai 2024 cũng được nhiều người dân đặc biệt quan tâm chính là thu hồi, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
Luật đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia… bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch… Việc này hướng đến bảo vệ cho người dân có đất bị thu hồi và đảm bảo có được lợi ích thỏa đáng.
Có căn nhà gần 200m tại mặt phố Nhân Hòa nhưng gần 15 năm qua nằm trong diện giải phóng mặt bằng xây dựng đường vành đai 2,5, chị Đ.Q.N (trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết, Dự án "treo" hàng chục năm nay khiến gia đình không thể xây dựng lại hay chuyển nhượng được mặc dù bố mẹ chị đã chia cho 3 người con.
Chị Đ.Q.N chia sẻ, gia đình chị và hàng trăm hộ dân khác ở đây đều mong ngóng dự án sớm triển khai với mức bồi thường, hỗ trợ phù hợp, tránh thiệt thòi cho người dân. "Những người thuộc diện bị thu hồi đất như chúng tôi đều rất thiệt thòi, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và kinh tế, nhưng để mở đường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, chúng tôi đều đồng thuận ủng hộ. Điều quan trọng giúp chúng tôi phấn khởi hơn là theo Luật Đất đai mới, Nhà nước đã quan tâm hơn đến chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo hướng có lợi nhiều hơn cho người dân. Đặc biệt, Luật bỏ khung giá đất, áp dụng bảng giá đất mỗi năm một lần đảm bảo sát với giá thị trường sẽ bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi”.
*Nhanh chóng đưa Luật vào thực tế
Luật Đất đai 2024 tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; cải thiện việc tiếp cận đất đai cho người dân, doanh nghiệp phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; quản lý tài chính đất (định giá đất, ổn định tiền thuê đất) và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Luật đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất. Đồng thời giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật; vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất.
Luật tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế…; đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư…
Theo lãnh đạo UBND quận Long Biên, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới như cấm hành vi không ngăn chặn, xử lý vi phạm đất đai (Điều 11); thông báo thu hồi đất chỉ có giá trị 12 tháng (Khoản 5, Điều 85); Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải có thành viên HĐND quận, MTTQ, các đoàn thể; bồi thường bằng loại đất khác với đất bị thu hồi (Điều 91, 96, 98, 99). Hay trước đây, quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ phải cùng một ngày, nay cho phép quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước, sau đó mới ban hành quyết định thu hồi đất và lưu ý phải bố trí tái định cư xong mới ban hành quyết định thu hồi đất hoặc giá đất giao tái định cư là giá đất theo bảng giá hằng năm, còn giá bồi thường là giá đất cụ thể (Luật 2013 là giá cụ thể cả đầu đi và đầu đến)...
Lãnh đạo Quận đã chỉ đạo phòng chuyên môn lọc các nội dung và tách từng lĩnh vực để áp dụng triển khai kịp thời, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân có nhu cầu giải quyết liên quan đến đất đai.
Từ ngày 1/8, các đơn vị chức năng của huyện Ba Vì đã triển khai Luật Đất đai năm 2024 theo đúng thẩm quyền và quy định nhưng quá trình triển khai vẫn gặp một số khó khăn. Theo UBND huyện Ba Vì, hiện tại, UBND thành phố Hà Nội chưa ban hành quyết định quy định một số nội dung theo thẩm quyền về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến hạn mức công nhận quyền sử dụng đất, hạn mức giao đất, trình tự tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai nên chưa thể triển khai được.
Hiện nay, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa triển khai thực hiện được do quy định về chuyển tiếp trong Luật Đất đai 2024 và UBND thành phố chưa ban hành văn bản thay thế Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017; Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành chưa quy định một số nội dung cụ thể đối với trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Bên cạnh đó, việc xác định giá đất phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và đấu giá quyền sử dụng đất được phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện nên gặp khó khăn về cán bộ chuyên môn, chuyên trách để phụ trách thực hiện nội dung này.
Từ những khó khăn, vướng mắc thực tế khi áp dụng theo Luật mới, nhiều địa phương đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm ban hành các quy định thực hiện thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện về cơ chế sắp xếp nhân lực, vật lực cho đơn vị được nhận chuyển giao nhiệm vụ từ đơn vị khác chuyển về để việc thực hiện Luật Đất đai 2024 được thuận lợi./.
- Từ khóa:
- Luật Đất đai 2024
- quyền sử dụng đất
- Thủ đô