Nhằm từng bước nâng cao đời sống nhân dân các bản biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng thí điểm mô hình “Bản sáng vùng biên”.
Nhằm từng bước nâng cao đời sống nhân dân các bản biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng thí điểm mô hình “Bản sáng vùng biên”. Thông qua việc huy động mọi nguồn lực, các đồn biên phòng cơ sở đã phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới gắn với phát triển các mô hình sản xuất. Qua đó giúp người dân vùng biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Tại bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện biên giới Mường Lát có nhiều người dân tộc Mông sinh sống. Cuộc sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, đói nghèo quanh năm. Để giúp người dân thay đổi cuộc sống, Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên”. Sau hơn 4 tháng thực hiện, Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã phối hợp với chính quyền địa phương làm được hơn 200 m đường bê tông nội bản, vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa và phát triển các mô hình chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Quang Chiểu cũng duy trì thường xuyên lớp dạy xóa mù chữ cho gần 40 học viên là người địa phương; xây dựng đường lên bản Pù Đứa sạch đẹp, khang trang, tạo sự thay đổi trong nếp nghĩ, nếp làm của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng phát triển hơn.
Ông Thao Văn Tông, bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết, thực hiện mô hình "Bản sáng vùng biên", cán bộ Biên phòng đã phối hợp với chính quyền tuyên truyền để nhân dân làm đường xương cá, vận động bà con cùng chung tay để phục vụ nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, được UBND xã giao nhiệm vụ về đích nông thôn mới quý I năm 2025, bản đã được cán bộ Biên phòng hỗ trợ xây dựng, dọn dẹp vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm để sớm hoàn thành nhiệm vụ.
Tại bản Chiềng Căm, xã Hiền Kiệt, huyện biên giới Quan Hóa, qua gần một năm được Đồn Biên phòng Hiền Kiệt lựa chọn thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên”, bản đã được đầu tư xây dựng thêm khu sân khấu ngoài trời và sửa sang khuôn viên nhà văn hóa, làm đường hoa. Đơn vị Biên phòng cũng đã hỗ trợ giống vịt, lợn, xây dựng mô hình“Vườn rau hộ gia đình” và lắp đặt 25 téc nước sạch cho các hộ nghèo. Xuân này, sức sống mới đã và đang bừng sáng ở bản khó Chiềng Căm.
Trung tá Lê Hồng Thắng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Hiền Kiệt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết, đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn những việc dễ làm trước, việc khó làm sau. Từ đó, theo phương châm"cầm tay chỉ việc", đồn đã lựa chọn những gia đình có thể làm được để làm trước, nhân rộng, nhất là thực hiện mô hình vườn rau kiểu mẫu. Qua đó góp phần thay đổi bộ mặt bản nghèo miền núi, góp phần xây dựng bản Chiềng Căm ngày càng phát triển hơn.
Chủ tịch UBND xã Hiền Kiệt (huyện Quan Hóa) Lộc Văn Liên cho hay, UBND xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Hiền Kiệt vận động bà con xây dựng "Bản sáng vùng biên" và được bà con rất ủng hộ. Đến nay, bản Chiềng Căm có nhiều đổi thay, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, nhiều hộ nghèo thoát nghèo.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tỉnh có gần 214 km đường biên giới, 146 thôn, bản, khu phố thuộc 16 xã, thị trấn thuộc 5 huyện vùng cao biên giới. Mặc dù đã được Trung ương, tỉnh và huyện quan tâm đầu tư và hỗ trợ, nhưng phần lớn các bản biên giới đều còn khó khăn.
Được sự nhất trí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai thí điểm 11 mô hình “Bản sáng vùng biên”. Các đồn biên phòng đã kết hợp lồng ghép nguồn lực các chương trình, dự án đang triển khai, thực hiện ở vùng dân tộc, miền núi để xây dựng các công trình nông thôn mới, hỗ trợ cây con giống, phát triển đa dạng mô hình sinh kế cho nhân dân.
Đặc biệt, ngoài việc huy động lực lượng để đóng góp ngày công lao động xây dựng các công trình dân sinh, các đơn vị biên phòng còn vận động, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, trao tặng các công trình sử dụng điện năng lượng mặt trời, trang thiết bị thiết yếu ở các điểm sinh hoạt cộng đồng. Đến nay sau gần 1 năm thực hiện mô hình, 11 bản biên giới đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình dân sinh, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng phát triển sinh kế cho người dân.
Đại tá Hoàng Văn Hùng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết, Bộ đội Biên phòng đã triển khai mô hình "Bản sáng vùng biên" ở miền núi với nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con, phát huy quy chế dân chủ để nâng cao trách nhiệm của người dân trong phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh. Thành công bước đầu sau gần 1 năm triển khai mô hình “Bản sáng vùng biên” là cơ sở quan trọng để Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa nhân rộng ra nhiều bản làng ở khu vực biên giới thời gian tới, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo tại khu vực biên giới còn nhiều khó khăn./.