Tận dụng lợi thế sẵn có, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã thành công với nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Tận dụng lợi thế sẵn có tại địa phương, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã học và thành công với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Đây được coi là mô hình khá mới đối với đồng bào, giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
*Trao cần câu cho hộ nghèo
Gia đình chị H’Liêm (46 tuổi, dân tộc Mạ) trú tại Bon Ka Nur, xã Quảng Khê đang trồng hơn 1ha dâu để nuôi tằm. Theo nghề gần 5 năm nay, mỗi tháng hai vợ chồng chị nuôi 2 lứa tằm, sản lượng kén tươi khoảng 150kg. Hiện, kén tươi được các chủ vựa trong xã “bao tiêu” đầu ra với giá từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, mỗi tháng vợ chồng chị kiếm được khoảng 15 - 20 triệu đồng.
Chị H’Liêm chia sẻ, nhiều năm trước, thấy một số hộ người Kinh trồng dâu nuôi tằm. Những cánh đồng dâu xanh mướt trông rất bắt mắt, đối với bà con người Mạ rất lạ, vì loại cây này dễ trồng, lớn nhanh và thu hoạch liên tục. Bà con thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm không khó mà thu nhập ổn định, đều đặn hằng tháng nên muốn tìm hiểu, học theo. Tuy nhiên, nhiều lứa tằm kết quả không như mong muốn, sản lượng kén đạt thấp, chất lượng không đồng đều.
Đơn giản vậy nhưng khi bắt tay vào nuôi cũng khó. Khó nhất là con tằm rất nhạy cảm. Đặc biệt phải hạn chế việc sử dụng các loại thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật khi trồng dâu, nếu có sử dụng phải đúng kỹ thuật, liều lượng và đảm bảo thời gian cách ly, chị H’Liêm chia sẻ thêm.
Cũng theo chị H’Liêm, tằm nhạy cảm đến nỗi nếu các vườn trồng cà phê, tiêu, sầu riêng… liền kề mà phun thuốc sâu, thuốc trừ cỏ… gia đình chị phải tìm tới xem chủng loại thuốc và ghi lại đảm bảo thời gian cách ly. Nếu không chú ý, tằm chết hàng loạt, phải bỏ; nhẹ cũng bị ảnh hưởng sản lượng, chất lượng kén…
Những năm trước, nhờ được cán bộ xã, huyện hướng dẫn và đưa vào mô hình trồng dâu nuôi tằm để giảm nghèo bền vững nên gia đình chị H’Liêm vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm. Đến nay, gia đình chị cơ bản nắm vững quy trình sinh trưởng, phát triển của tằm, cách thức thu hoạch kén cũng như chăm sóc để cây dâu sinh trưởng tốt, đảm bảo chất lượng, sản lượng. Gia đình chị H’Liêm hiện có 2 con đang đi học tại Thành phố Hồ Chí Minh, một cháu học đại học, một cháu học cao đẳng. Chị chia sẻ, nếu không có nghề trồng dâu nuôi tằm, việc lo cho các con ăn học sẽ rất vất vả.
Theo chị H’Lài (42 tuổi, trú tại thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê) và một số hộ dân trong xã, nghề trồng dâu nuôi tằm có ưu điểm là đầu tư ban đầu thấp. Hiện, bà con trồng phổ biến giống dâu siêu cành, lá to, sinh trưởng tốt nên sản lượng cao và ổn định. Điều kiện khí hậu địa phương mát mẻ hầu như quanh năm cũng rất phù hợp để phát triển nghề này.
*Lập nhóm Zalo chia sẻ kinh nghiệm, điều phối lá dâu
Ông Nguyễn Tiến Duẩn, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê cho biết, để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, xã triển khai nhiều giải pháp, từ hướng dẫn kỹ thuật, “cầm tay, chỉ việc” cho các hộ dân, cho đến kết nối doanh nghiệp, hộ kinh doanh đảm bảo đầu ra để bà con yên tâm sản xuất.
Xã làm việc với đại diện các thôn và mời những hộ dân tâm huyết với nghề trồng dâu nuôi tằm thực hiện trước, sau đó các hộ này sẽ hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm lại cho người thân, bà con họ hàng. Các hộ tiên phong được UBND xã và ngành chức năng của huyện tổ chức đi tham quan nhà máy sợi tơ tằm ở huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và các mô hình trồng dâu, nuôi tằm hiệu quả ở địa phương trước khi bắt tay vào “khởi nghiệp”. Xã, huyện hỗ trợ bà con cây giống, kỹ thuật, phân bón, dụng cụ nuôi… để họ yên tâm học, theo nghề mới.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Duẩn, để các hộ chia sẻ kinh nghiệm và việc nắm bắt thông tin kịp thời, xã lập nhóm Zalo gồm 26 thành viên, trong đó đa số là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Khi ghi nhận tằm ăn không khỏe hoặc có các dấu hiệu bất thường, nhiễm bệnh…, các hộ chia sẻ hình ảnh, thông tin và được hỗ trợ, hướng dẫn xử lý. Các thành viên trong nhóm điều phối lá dâu từ hộ thiếu sang hộ thừa, chia sẻ thông tin thị trường, việc xử lý phân bón, phụ phẩm từ quá trình trồng dâu nuôi tằm để bón cho các loại cây trồng khác…
“Nhiều hộ gia đình trong xã phát triển mạnh nghề trồng dâu, nuôi tằm và thu nhập ổn định hằng tháng từ 50 - 70 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí", ông Nguyễn Tiến Duẩn chia sẻ thêm.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, trồng dâu nuôi tằm là mô hình phù hợp các điều kiện, lợi thế sẵn có của địa phương. Nghề này giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và lan tỏa phong trào phát triển kinh tế mới tại xã. Tuy nhiên, UBND xã khuyến cáo mỗi hộ dân chỉ trồng khoảng 0,5ha dâu và tổ chức nuôi tằm hàng lứa, hằng tháng phù hợp sản lượng lá dâu thu hoạch được. Bà con chọn những vị trí đất phù hợp để nuôi tằm, tránh phát triển tại khu vực không phù hợp về nước tưới, hướng gió, thổ nhưỡng…
Theo UBND huyện Đắk Glong, thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững), thời gian qua, ngành chức năng của huyện hỗ trợ các xã Quảng Khê, Đắk Ha, Quảng Sơn, Quảng Hòa phát triển nhiều mô hình trồng dâu, nuôi tằm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã học được nghề mới và yên tâm phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó vươn lên thoát nghèo bền vững./.
- Từ khóa:
- Mô hình
- đồng bào
- dân tộc
- thiểu số
- Mạ thoát nghèo