Bắc Ninh hiện có khoảng 3.000 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại; trong đó có 195 trang trại đạt tiêu chí theo quy định. Tỉnh đang có nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại.
(TTXVN) Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất để xây dựng các mô hình kinh tế trang trại mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trang trại đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Hiện tỉnh Bắc Ninh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế trang trại.
*Hiệu quả từ trang trại
Tận mắt chứng kiến trang trại của anh Nguyễn Văn Linh, ít ai biết rằng nơi đây từng là một “ốc đảo” bỏ hoang. Anh Linh, quê ở tỉnh Hải Dương, năm 2008, trong một lần đi bẫy chim ở bãi Nguyệt Bàn, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh nhận thấy khu đất này thuận lợi cho việc trồng các loại rau củ quả nhưng lại bị bỏ hoang, rất lãng phí nên anh đã thuê lại toàn bộ diện tích khoảng 40 ha để cải tạo, sản xuất.
Vốn làm nghề xây dựng có thu nhập ổn định nên khi quyết định chuyển sang làm nông nghiệp mọi người trong gia đình anh đều phản đối bởi làm nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa kể điều kiện canh tác gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi. Anh Linh cho biết, mặc dù là đất bỏ hoang nhưng chất đất ở đây rất tốt, được bồi đắp phù sa nên rất thích hợp trồng những cây ngắn ngày. Nhận thấy được điều đó, anh Linh bắt tay vào cải tạo để sản xuất nông nghiệp.
Để biến “ốc đảo” bỏ hoang thành cánh đồng trù phú như hôm nay, anh Linh mất khoảng một năm thuê máy móc, nhân công ra cải tạo đất, xây dựng trang trại. Đầu năm 2009, anh bắt tay trồng vụ cà rốt đầu tiên, tuy nhiên, do mưa nhiều, nước sông dâng cao khiến toàn bộ diện tích chìm trong biển nước và mất trắng. Thất bại này được coi như một sự trải nghiệm để anh Linh đúc rút kinh nghiệm.
Anh Linh chia sẻ, điều quan trọng nhất của người làm nông nghiệp là phải nắm chắc nguyên tắc mùa nào thức ấy. Do đó, các loại cây trồng như cà rốt, củ cải đường chỉ hợp với sản xuất vụ Đông. Bởi vào mùa mưa nơi đây thường bị ngập nước nên chỉ phù hợp với những loại cây ngắn ngày.
“Cây cà rốt trồng vào vụ Đông rất thích hợp trồng trên đất phù sa, bãi bồi cao. Cùng với các yếu tố về giống thì khâu xử lý đất trước khi gieo trồng bảo đảm khô, tơi xốp và đặc biệt phải được xử lý mầm bệnh cũng rất quan trọng. Để có thể xuất khẩu sản phẩm, trong quá trình sản xuất, toàn bộ diện tích chỉ sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học, năng suất đạt trung bình đạt 2,5-3 tấn/sào, chất lượng, mẫu mã củ tốt, được công ty và thương lái đến thu mua tận ruộng”, anh Linh nói.
Từ thành công ban đầu, năm 2014, anh Linh đã liên kết với 16 hộ dân trong vùng để thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Thương mại Mỹ Linh. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Ninh. Hiện mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất trên 50 ha rau, củ quả các loại, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 100 lao động với thu nhập từ 160.000 - 170.000 đồng/ngày từ việc trồng, thu hoạch các loại rau, củ, quả.
Trong quá trình sản xuất, anh Linh thường xuyên học hỏi các mô hình phát triển kinh tế khác, cũng như thay đổi giống cây trồng, vật nuôi có sản lượng, chất lượng. Anh Linh chia sẻ, Hợp tác xã thực hiện nghiêm túc trong sản xuất kinh doanh, luôn đặt việc bảo vệ môi trường cũng như an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn tuân thủ quy trình 3 không “không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân bón không rõ nguồn, không thuốc bảo quản trong sơ chế và bảo quản sản phẩm”. Vì thế, sản phẩm nông sản của Hợp tác xã luôn có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là củ cà rốt mỗi năm anh xuất sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc từ 2.500-3.000 tấn.
Với thành tích xuất sắc, năm 2022, anh Nguyễn Văn Linh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài sự thành công của anh Linh, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: Vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Dương, Nhân Thắng, Xuân Lai (Gia Bình); xã Trung Chính, Phú Hoà, An Thịnh (Lương Tài); vùng cây ăn quả tại xã Hoài Thượng, Đại Đồng Thành, Đình Tổ (Thuận Thành)...
*Trợ lực để kinh tế trang trại phát triển
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 3.000 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại; trong đó có 195 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, với diện tích hơn 910 ha, tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Năm 2021, tổng doanh thu của các trang trại đạt khoảng 1.100 tỷ đồng.
Ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh khẳng đinh, phong trào phát triển kinh kế trang trại đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ chỗ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn. Từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi, từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và được khẳng định là mô hình sản xuất hàng hóa tập trung và hiệu quả.
Tuy nhiên, việc phát triển trang trại vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, chủ trang trại chưa tiếp cận được những kênh vay vốn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn ít; việc liên kết sản xuất, kinh doanh giữa trang trại và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn thấp; đa số các trang trại còn thiếu kết nối với thị trường...
Ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho rằng, hiện nay, hầu hết các trang trại đều gặp khó khăn về vốn do đặc thù của kinh tế trang trại là cần vốn lớn để đầu tư với chu kỳ sản xuất kéo dài nên việc thu hồi vốn chậm, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi… gây áp lực lớn cho các trang trại. Trong khi đó, quỹ đất để sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa, nên mặt bằng sản xuất đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp.
Để hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND về quy định về hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; trong đó, tỉnh tập trung vào các chính sách như: hỗ trợ lãi suất với mức 4%/năm cho các trang trại vay vốn từ ngân hàng thương mại; hỗ trợ tập trung đất đai (hỗ trợ 1 lần cho trang trại thuê quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là 50 triệu đồng/ha; góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là 50 triệu đồng/ha); hỗ trợ trang trại chăn nuôi (50% chi phí nhưng tối đa không quá 3 tỷ/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị phục vụ sản xuất)…
Về lâu dài, khi đất đai, hạ tầng cơ sở ổn định, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc tăng cường thông tin về thị trường để định hướng cho các trang trại sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho các trang trại; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, khuyến khích hỗ trợ các trang trại tham gia chương trình OCOP của tỉnh; tập trung phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định, giúp các trang trại yên tâm phát triển./.
- Từ khóa:
- Kinh tế trang trại