Xã hội

Mường Nhé nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từ phát triển nông nghiệp bền vững

Điện Biên

Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nâng cao đời sống, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn từ phát triển nông nghiệp bền vững.

Đồi quế tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé
Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Mường Nhé là huyện nghèo biên giới, có vị trí địa lý cách xa nhất với trung tâm hành chính của tỉnh Điện Biên, với trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Nhưng đây lại là địa phương có diện tích tự nhiên rộng, nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp. Tận dụng thế mạnh đó, những năm gần đây, Mường Nhé tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao hướng tới xuất khẩu nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. Qua đó nâng cao đời sống, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

* Hướng đi từ cây công nghiệp

Với đặc thù là huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, nông nghiệp ở Mường Nhé trước đây chủ yếu vẫn dựa vào cây lương thực truyền thống như lúa, ngô, và sắn, với năng suất thấp và bấp bênh do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Nhận thấy tiềm năng của thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho một số loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cây quế, huyện đã định hướng người dân chuyển đổi dần sang trồng quế với diện tích hiện có của toàn huyện là gần 1.000 ha.

Người dân Mường Toong chăm sóc rừng quế
  Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Năm 2016, ông Thào Seo Sình ở bản Huổi Ping, xã Mường Toong mua hơn 1.000 cây quế giống từ tỉnh Lào Cai về trồng trên diện tích nương ngô kém hiệu quả. Sau 8 năm, vườn quế của gia đình ông phát triển rất tốt và đã có thể cho thu hoạch.

Ông Sình cho biết, trồng quế cũng như cây lâm nghiệp khác, vất vả chăm sóc 2 - 3 năm đầu, sau đó cây khép tán là không mất công phát cỏ, từ năm thứ 5 trở đi có thể tỉa cành, tỉa thưa cây bán dần. Hiện gia đình ông có hơn 12 ha quế, trong đó có 2 ha đã có thể cho thu hoạch. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế mang lại giá trị kinh tế cao, mỗi ha quế cho thu nhập khoảng 500 - 600 triệu đồng. Định hướng của gia đình ông trong thời gian tới, mỗi năm sẽ phát triển từ 1-2 ha quế.

Từ mô hình của ông Thào Seo Sình, nhiều người dân trên địa bàn xã Mường Toong đã mạnh dạn thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế. Mường Toong hiện là xã có diện tích quế lớn nhất trong huyện với hơn 200 ha, tập trung chủ yếu ở các bản như Huổi Ping, Mường Toong 1, Mường Toong 3.

Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong cho biết, xác định trồng quế là một hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững, định hướng của xã sẽ phát triển hơn 500 ha quế. Để tạo điều kiện cho việc hỗ trợ đầu ra cho cây quế, xã Mường Toong đã thành lập Hợp tác xã trồng và chế biến cây quế với nhiệm vụ vụ ươm, phân phối giống cây; hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế, thu mua sản phẩm.

Những rừng cao su phủ xanh đồi núi tại huyện Mường Nhé
 Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Ngoài cây quế, cao su là cây công nghiệp gắn bó nhiều năm với người dân Mường Nhé. Sau hơn 10 năm bén rễ, hiện toàn huyện Mường Nhé có hơn 1.200 ha cây cao su và đều đang cho khai thác mủ. Năm 2023, sản lượng khai thác đạt hơn 1.000 tấn mủ quy khô; tổng doanh thu hơn 28,8 tỷ đồng. Năm 2014, mục tiêu khai thác 1.000 tấn mủ (dự kiến sẽ vượt mức kế hoạch từ 5-10%); doanh thu dự kiến đạt 35 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Mường Nhé, sau hơn 10 năm phát triển, cây cao su ở Mường Nhé đã bước sang giai đoạn thu hoạch, kinh doanh có lãi. Đặc biệt, việc phát triển cây cao su đã giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hiện Công ty có hơn 230 công nhân với hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, đã gắn bó với cây cao su từ những ngày đầu; thu nhập bình quân của công nhân hiện nay hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Vườn cây cao su đang tăng trưởng ổn định và cho năng suất cao, mang lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn huyện.

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, huyện Mường Nhé còn khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả. Ðến nay, Mường Nhé đã phát triển và duy trì ổn định diện tích cây ăn quả với 170 ha gồm: cam, bưởi, nhãn, chuối, xoài,… Sản lượng thu hoạch đạt 750 tấn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hơn 450 ha cây mắc ca.

* Phát triển nông nghiệp bền vững

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé khai thác mủ
 Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Năm 2024, huyện Mường Nhé đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho người dân ở một số dự án và bước đầu đã đạt được hiệu quả. Cụ thể là các dự án: hỗ trợ sản xuất trồng quế với quy mô 487 ha, có 495 hộ tham gia; hỗ trợ sản xuất trồng ngô với quy mô 425 ha, có 652 hộ tham gia; hỗ trợ sản xuất trồng sắn với quy mô 884 ha, có 909 hộ tham gia; hỗ trợ sản xuất trồng cây sa nhân với quy mô 50 ha, có 66 hộ tham gia.

Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Tạ Văn Sơn cho biết, UBND huyện đang xây dựng Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu huyện Mường Nhé giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và “Phong trào không cho đất nghỉ” với mục tiêu xây dựng một số mô hình điểm về luân canh, xen canh, tăng vụ để người dân thấy được hiệu quả của mô hình so với sản xuất truyền thống.

Xác định cây lương thực vẫn là cây trồng chủ lực, đảm bảo an ninh lương thực, huyện Mường Nhé tập trung phát triển cây lúa, ngô và sắn. Tổng diện tích cây lương thực toàn huyện hiện nay gần 6.000 ha. Mục tiêu giai đoạn tới, huyện Mường Nhé thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, nhằm tạo ra các sản phẩm lúa gạo có giá trị kinh tế, đồng thời phát triển thương hiệu “Gạo tẻ Mường Nhé chất lượng cao” là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển vùng sản xuất sắn bền vững, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, hóa chất, có mã số vùng trồng và cơ sở chế biến tinh bột nhằm phục vụ nội tiêu và tiến tới xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.

Rừng cao su ở huyện Mường Nhé
  Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Thời gian tới, trọng tâm huyện Mường Nhé tập trung phát triển một số cây trồng chính như cây quế, cây dược liệu dưới tán rừng. Phấn đấu đến năm 2030, huyện trồng được 4.500 ha quế và 500 ha cây dược liệu dưới tán rừng để hình thành vùng sản xuất nguyên liệu. Bên cạnh đó, tập trung cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi, phát triển chăn nuôi trâu, bò trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, chủ lực tạo công ăn việc làm ổn định, có thu nhập cao cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mường Nhé; xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với người chăn nuôi trong việc sản xuất và tiêu thụ thịt trâu, bò theo hướng hàng hóa; từng bước hình thành vùng sản xuất trâu, bò cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, thời gian tới, việc nâng cấp Lối mở A Pa Chải - Long Phú lên cửa khẩu song phương sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng về đối ngoại, kinh tế, chính trị văn hóa, xã hội của huyện nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Cửa khẩu sẽ tạo cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trao đổi mua bán, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và các dịch vụ phát triển. Bởi vậy, huyện Mường Nhé tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa nhằm mục tiêu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khi lối mở được nâng cấp thành cửa khẩu song phương. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế vùng biên giới của tỉnh Điện Biên, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.../.

Xuân Tư

Xem thêm