Năm 2023, tập trung kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, chuyên môn sâu, khép kín
Việc làm rõ hành vi đưa-nhận hối lộ các vụ án lớn trong thời gian qua là bước tiến quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng, bởi không dễ để có thể điều tra, truy tố, xét xử đối với tội danh này.
TTXVN - Chiều 12/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức buổi họp thông báo kết quả Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).
Bước tiến quan trọng trong việc làm rõ hành vi đưa-nhận hối lộ
Liên quan đến việc xử lý một số vụ án được dư luận quan tâm trong năm 2022, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, trong năm 2022 đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, trong đó có vụ án được dư luận quan tâm xảy ra tại Công ty AIC hay Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
"Vụ xét xử sai phạm của AIC xảy ra ở Đồng Nai đã xong nhưng không có nghĩa là xong tất cả. Sai phạm của AIC liên quan đến địa phương, bộ, ngành nào, các cơ quan chức năng đang tập trung lực lượng để xác minh làm rõ và xử lý", ông Nguyễn Thái Học nêu; đồng thời cho biết, các cơ quan tiếp tục thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn thi hành án đối với các đối tượng đã bị tuyên án mà bỏ trốn.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng, việc làm rõ hành vi đưa-nhận hối lộ các vụ án lớn trong thời gian qua là bước tiến quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng, bởi không dễ để có thể điều tra, truy tố, xét xử đối với tội danh này.
"Có chứng cứ đầy đủ để kết tội một cách thuyết phục là vô cùng khó khăn. Đi đến tận cùng, bản chất của hành vi tham nhũng, chúng ta rút ra nhiều bài học, trong đó đắt giá nhất là bài học về công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp và chọn cán bộ để giao việc", ông Nguyễn Thái Học nói; đồng thời cho biết trong năm 2023, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, chuyên môn sâu, khép kín ở cả Trung ương và địa phương.
Về giải pháp khắc phục hiện tượng đùn đẩy, né tránh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Nguyễn Thái Học cho rằng, cần phải nhận diện đúng nguyên nhân. Nếu do cơ chế, luật pháp, phải sửa để mọi người đều có thể thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ mà không sợ sai. Nếu nguyên nhân chủ quan do năng lực hạn chế, nhận thức pháp luật không đúng, không đầy đủ để không dám làm, không chịu làm thì đó cũng là biểu hiện của tiêu cực và phải chấn chỉnh, xử lý.
Xử lý nghiêm "tham nhũng vặt"
Liên quan đến câu hỏi về nguyên nhân và trách nhiệm nêu gương trong việc từ chức của một số lãnh đạo trong thời gian qua, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng, cần phân biệt, làm rõ nguyên nhân của việc từ chức vì lý do sức khỏe, gia đình, không thể đảm đương cương vị đang đảm nhận, xin phép tổ chức cho từ chức, hay do phải chịu trách nhiệm khi bản thân làm sai hoặc cấp dưới làm sai, làm ảnh hưởng đến uy tín tổ chức Đảng và bản thân.
Đối với chủ trương xử lý những vụ án "tham nhũng vặt", Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh vai trò của Ban Chỉ đạo ở các địa phương trong việc chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên. "Không riêng chuyện "lót tay, bôi trơn", mà tất cả hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở đâu, địa bàn nào, cấp ủy, tổ chức Đảng, Ban Chỉ đạo ở đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm một cách công khai, minh bạch", ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, Ban Nội chính Trung ương tiến hành trao thưởng, biểu dương 8 cơ quan, đơn vị báo chí (bao gồm: Ban Biên tập tin Trong nước, Thông tấn xã Việt Nam; Phòng Chính trị, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam; Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân dân; Phòng Phóng viên, Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Thanh niên; Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh; Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh; Tạp chí Nội chính), đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022./.