Nam Định đề nghị chuyển đổi nhà máy nhiệt điện sử dụng than sang nguồn nhiên liệu sạch
Được biết, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3602/QĐ-BTNMT ngày 28/11/2018.
TTXVN - Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, ngày 27/3, tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Công Thương tham gia ý kiến về việc triển khai Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1.
Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đề nghị, Bộ Công Thương xem xét, đàm phán với chủ đầu tư chuyển đổi Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 dự kiến sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nguồn nhiên liệu sạch như, điện khí hóa lỏng (LNG)… để đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện, thân thiện môi trường và phù hợp cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và đáp ứng nguyện vọng, tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án.
Được biết, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3602/QĐ-BTNMT ngày 28/11/2018.
Tuy nhiên, đến nay, các quy định về bảo vệ môi trường đã có nhiều thay đổi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đảm bảo các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050, trong đó, định hướng phát triển nguồn điện là giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, các nguồn điện khí LNG nhập khẩu. Đồng thời, nguyện vọng của người dân trong vùng dự án là xây dựng nhà máy điện phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và đề nghị không sử dụng nhiên liệu than.
Cũng theo UBND tỉnh Nam Định, căn cứ Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 thuộc nhóm các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn; Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương làm việc với nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.
Theo UBND huyện Hải Hậu, tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy khoảng 227,8 ha, trong đó, đất nông nghiệp khoảng 188 ha, đất trong khu dân cư khoảng 9,4 ha, đất giao thông, thủy lợi, công trình công cộng khoảng 30,4 ha. Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khoảng 1.530 hộ.
Ngày 26/1/2016, huyện Hải Hậu ban hành Thông báo thu hồi đất đối với 1.633 hộ có diện tích đất phải thu hồi (gồm cả khu tái định cư tập trung); thông báo cho các tổ chức, cá nhân có đất nông nghiệp trong phạm vi giải phóng mặt bằng dừng cấy lúa từ tháng 2/2016 và không cấy, gieo trồng, nuôi thả các loại thủy sản từ ngày 18/12/2017. Tính đến tháng 11/2019, địa phương đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm 4 lần; tổ chức hỗ trợ chủ đầu tư triển khai công tác rà phá bom mìn, khoan thăm dò địa chất…
Từ năm 2016 đến nay, chủ đầu tư hỗ trợ chi trả tiền lỡ mùa 15 vụ với tổng số tiền 83,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thời gian kiểm đếm đã lâu nên tài sản, cây trồng vật nuôi thay đổi, nhiều mốc giới giải phóng mặt bằng ngoài thực địa đã mất, hiện trạng nhiều thửa đất thay đổi, cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi...
Huyện Hải Hậu hoàn thành bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu tái định cư tập trung khoảng 8,1 ha với tổng số tiền bồi thường là 19,4 tỷ đồng; xây dựng xong khu tái định cư, tổng vốn đầu tư 99,6 tỷ đồng./.