Diễn đàn Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng trong sinh viên được kết nối trực tuyến với hơn 800 điểm cầu ở các địa phương, trường học trong cả nước.
TTXVN - Dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác phát triển đảng trong học sinh, sinh viên nói chung và sinh viên nói riêng chưa tương xứng tiềm năng hiện có ở các trường học, nhất là các trường cao đẳng, đại học. Trong đó, tỷ lệ giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và tỷ lệ đoàn viên được kết nạp Đảng trong khối trường học đều ở mức thấp so quy mô của khối này.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng trong sinh viên do Trung ương Đoàn chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16/6. Diễn đàn được kết nối trực tuyến với hơn 800 điểm cầu ở các địa phương, trường học trong cả nước.
Báo cáo đề dẫn, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ trong sinh viên, bởi đây là nguồn nhân lực với số lượng đông đảo, tuổi đời trẻ, giàu niềm tin vào lý tưởng cách mạng. Việc phát triển tốt lực lượng đảng viên ở nhóm đối tượng này sẽ tạo được nguồn phát triển dồi dào, chất lượng cao, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng Đảng vững mạnh.
Số đảng viên được kết nạp là sinh viên tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2020 có 3.340 đảng viên được kết nạp là sinh viên, năm 2021 có 3.931 đảng viên, năm 2022 có 4.822 đảng viên. Qua 3 năm từ 2020 - 2022, cả nước có 12.093 đảng viên được kết nạp là sinh viên; trong đó nữ chiếm 56,55%, người dân tộc thiểu số chiếm 4,75%, đảng viên theo tôn giáo chiếm 1,93%, đảng viên là cán bộ Đoàn chiếm 25,7%, đảng viên có thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học chiếm 58,72%. Phần lớn đảng viên sinh viên được kết nạp ở độ tuổi từ 18 - 22 (86,8%).
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết, công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên được các cấp ủy và các cấp bộ Đoàn quan tâm, chú trọng. Cùng với số lượng và chất lượng đảng viên mới tăng liên tục qua các năm, cơ cấu đảng viên mới trong sinh viên có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ đảng viên nữ, trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ đoàn tăng lên. Hầu hết đảng viên mới là sinh viên có bản lĩnh chính trị, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phẩm chất đạo đức tốt; nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong học tập và rèn luyện; tích cực tham gia các hoạt động tại trường học và ở khu dân cư.
Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, công tác phát triển đảng trong học sinh, sinh viên nói chung và sinh viên nói riêng vẫn còn chưa tương xứng với quy mô và dư địa trong khối đối tượng này. Từ năm 2010 - 2021, tỷ lệ giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp trong khối trường học chỉ đạt từ 16,79% đến 21,22% trong tổng số đoàn viên ưu tú của khối, tỷ lệ thấp nhất trong các khối. Tỷ lệ đoàn viên được kết nạp Đảng trong khối trường học ở mức thấp, chỉ chiếm 6% trong tổng số đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng, trong khi đó quy mô của khối này chiếm 47% tổng số đoàn viên trên cả nước.
Dẫn đến thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó công tác bồi dưỡng quần chúng ưu tú, tạo nguồn kết nạp đảng đối với học sinh, sinh viên ở một số đơn vị chưa thật sự hiệu quả; một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời rà soát, thống kê nguồn quần chúng ưu tú có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bồi dưỡng, giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét kết nạp. Ngoài ra, việc giới thiệu đảng viên, đảng viên dự bị chuyển sinh hoạt Đảng sau khi tốt nghiệp chưa nhận công tác còn chưa được quan tâm...
Trong 3 năm qua, Đảng bộ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nạp được 157 đảng viên là sinh viên, chiếm 50% tổng số đảng viên được kết nạp tại Đảng bộ. Từ thực tiễn, Bí thư Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Phùng Thị Diệu Hương kiến nghị Trung ương rà soát và điều chỉnh thủ tục, hồ sơ kết nạp đảng viên theo hướng tinh gọn; nghiên cứu chuẩn hóa quy trình và liên thông thông tin giữa các đơn vị liên quan trong việc thẩm tra lý lịch, lấy ý kiến phản hồi của địa phương liên quan đến người xin vào Đảng, thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo chị Phùng Thị Diệu Hương trên thực tế, quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên trong trường đại học không dài. Phần lớn đến năm cận cuối và năm cuối, sinh viên mới có thể tích lũy đủ điều kiện và tiêu chuẩn để được xem xét kết nạp Đảng. Trong khi quá trình thẩm tra, xác minh, lấy nhận xét của địa phương hoặc thẩm tra lý lịch chiếm nhiều thời gian. Nhiều trường hợp từ khi lập danh sách đối tượng đảng cho sinh viên cho đến khi hoàn thành công tác hồ sơ để xem xét kết nạp đảng, sinh viên đã có quyết định tốt nghiệp. Đây là khó khăn chung mà các địa phương, trường học đang gặp phải trong công tác phát triển đảng trong sinh viên.
Tại diễn đàn, các đại biểu kiến nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu về nơi sinh hoạt chi bộ cho đảng viên là sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, làm việc tại đơn vị không có tổ chức Đảng nhằm tạo điều kiện cho lực lượng đảng viên này tiếp tục rèn luyện, gắn bó và cống hiến cho tổ chức Đảng. Các đại biểu đề xuất các cấp ủy, các cấp bộ Đoàn, Hội cần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đối tượng sinh viên, đoàn viên, thanh niên để tăng tính hấp dẫn và thu hút. Trong công tác tạo nguồn, các trường cần xác định nguồn ngay từ khi các em được trúng tuyển.../.