Xã hội

Nâng cao hiệu quả Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Đây là những chính sách và nguồn lực quan trọng từ phía Nhà nước Việt Nam để phục hồi nền kinh tế và hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19.

Quang cảnh tại Hội thảo khoa học “Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Năm đầu triển khai và những đánh giá ban đầu. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

(TTXVN) Sáng 22/12, Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Năm đầu triển khai và những đánh giá ban đầu”, do Đại Sứ quán Australia tại Việt Nam tài trợ thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia do Chương trình Aus4Skills quản lý.

Tham dự Hội thảo có đại diện của Tham tán kinh tế và một số cán bộ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, đại điện của các cơ quan quản lý nhà nước...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, để hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi giai đoạn trong và sau dịch COVID -19, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 về một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Quang cảnh tại Hội thảo. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội. 

Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nêu ra 5 nhóm giải pháp (nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh) với những nhiệm vụ cụ thể, huy động, phân bổ nguồn lực chi tiết. 

Một khoản ngân sách là 347 nghìn tỉ tương đương khoảng 15 tỉ đô la Mỹ (4% GDP) đã được thiết kế để đảm bảo kinh phí cho việc thực thi Chương trình này.

Đây là những chính sách và nguồn lực quan trọng từ phía Nhà nước Việt Nam để phục hồi nền kinh tế và hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19, trong đó có các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và người lao động. 

Tiến sỹ, Trần Quang Tuấn cho rằng, đây là một trong những hoạt động nghiên cứu và tư vấn chính sách nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu do nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam với các thành viên chính là các cựu sinh viên tại Australia thực hiện với mục đích theo dõi tiến độ thực hiện, tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và các cơ quan Trung ương. 

Các đại biểu trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế- xã hội của nước ta trong 11 tháng vừa qua, đồng thời cũng đưa ra những đánh giá ban đầu về tình hình thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội (gọi tắt là Chương trình) trong năm triển khai đầu tiên và đề xuất việc tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh chương trình phù hợp với tình hình phát triển mới, nâng cao hiệu quả của chương trình.

Tiến sỹ Trần Quang Tuấn, đại diện Nhóm nghiên cứu cho biết, Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ở 4 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Bắc Giang trong thời gian từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7/2022. Nhiều cuộc tham vấn, trao đổi với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân đã được tổ chức. 

Nhóm đã có báo cáo kết quả tại một số cuộc tọa đàm, hội thảo trong đó có Diễn đàn Kinh tế-xã hội của Quốc hội tháng 9/2022 và báo cáo cho một số ủy ban của Quốc hội. Với cách nhìn khách quan, nhóm nghiên cứu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan trong việc đề xuất xây dựng và thực hiện chương trình có ý nghĩa trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn dịch COVID-19. 

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc triển khai Chương trình về cơ bản vẫn là chậm so với kế hoạch và kỳ vọng về tác động kịp thời của Chương trình này đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay.

Bối cảnh quốc tế và trong nước mới đã khác rất nhiều so với tình hình và dự đoán khi xây dựng Chương trình này. Nhiều nội dung của Chương trình được thiết kế trước đây có thể không còn cần thiết và phù hợp với tình hình mới. 

Thực tế triển khai cũng đã cho thấy có những khó khăn và bất cập làm hạn chế tác động mong đợi của chương trình.

Việc xem xét, đánh giá đầy đủ những khó khăn, bất cập là cần thiết để có những điều chỉnh phù hợp nhằm xác định đúng vai trò thực sự của Chương trình trong tổng thể chương trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như xem xét toàn diện hơn tính hữu ích và khả thi của Chương trình. 

Cụ thể, quan sát thực tiễn triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: tình hình kinh tế - xã hội chung của Thành phố tính đến thời điểm này đã phục hồi một phần, tuy chưa đạt được mức tăng trưởng như trước khi có đại dịch, nhìn chung các tín hiệu cho thấy tích cực ở khu vực công nghiệp và nông nghiệp. 

Khu vực dịch vụ, đã có dấu hiệu chuyển biến tốt hơn, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách xa so với thời điểm trước đại dịch. Khách du lịch đã quay trở lại, doanh thu từ thương mại dịch vụ vẫn chưa đạt đến mức tiềm năng…. 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề xã hội; chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế…/.


Lý Thanh Hương

Xem thêm