Những điểm cần tháo gỡ khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Đại diện các nhà trường và lãnh đạo quận Lê Chân đánh giá chương trình, các bộ sách giáo khoa biên tập chưa đồng nhất.
(TTXVN) Ngày 21/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa bàn quận Lê Chân.
Trao đổi các thông tin liên quan đến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại diện các nhà trường và lãnh đạo quận Lê Chân đều đánh giá, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp về mục tiêu, yêu cầu đổi mới.
Theo học chương trình này, học sinh có khả năng làm chủ và vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Cùng với học kiến thức, học sinh còn biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống ý nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Bên cạnh các ưu điểm, đại diện quận Lê Chân đã chỉ ra những điểm bất cập.
Về chương trình, các bộ sách giáo khoa biên tập chưa đồng nhất. Cùng một nội dung học, có bộ sách bố trí ở học kỳ I, có bộ sách bố trí học ở học kỳ II. Điều này gây khó khăn cho những học sinh phải chuyển trường. Việc ghép các môn học Lý, Hóa, Sinh vào một cuốn sách, ghép môn Lịch sử, Địa lý thành một môn học khiến giáo viên phải loay hoay học kiến thức mới.
Việc cung cấp các đầu sách, các đường link, tài liệu, sách giáo khoa sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định còn chậm, dẫn đến việc nghiên cứu của giáo viên không sâu, thời gian dành cho việc lựa chọn sách gấp gáp.
Một trong những nội dung nổi cộm các nhà trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân báo cáo chi tiết đó là tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy tin học, dạy các môn ít tiết như âm nhạc, mỹ thuật, dạy tích hợp lịch sử, địa lý.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân cho biết, năm học 2022-2023, quận có chỉ tiêu tuyển dụng 5 giáo viên dạy mỹ thuật, âm nhạc, song cũng chỉ có một hồ sơ dự tuyển. Toàn quận có 127 giáo viên dạy Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa nhưng mới chỉ có 4 giáo viên có chứng chỉ dạy học tích hợp và 56 giáo viên đang được học bồi dưỡng. Điều đáng nói, thời gian học bồi dưỡng rất ít, kiến thức cần học lại rất nhiều, giáo viên rất vất vả để lĩnh hội và có kiến thức chuẩn truyền đạt đến học sinh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lê Chân Nguyễn Văn Phiệt kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục, nhất là chế độ đãi ngộ với giáo viên nói chung và giáo viên đang giảng dạy và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng. Chính phủ không thực hiện nội dung cắt giảm cơ học hoặc tinh giản biên chế đối với đội ngũ nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng lộ trình bồi dưỡng và đào tạo giáo viên cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo viên khi đứng lớp. Cùng với đó, Bộ rà soát lại Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó xem xét điều chỉnh việc sắp xếp môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử, Địa lý, Nghệ thuật... đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, với tâm sinh lý lứa tuổi.
Việc ban hành sách giáo khoa lớp 4, lớp 5, lớp 8, lớp 9 cần đảm bảo đủ thời gian cho việc soạn thảo, thẩm định, lựa chọn và phát hành. Hàng năm, sớm thẩm định, ban hành sách giáo khoa mẫu để các nhà trường có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa, công bố danh sách lựa chọn trước khi giảng dạy.
Thay mặt đoàn giám sát, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng Lã Thanh Tân ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện quận Lê Chân, nhất là những kết quả tích cực khi triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Với những nội dung kiến nghị của quận Lê Chân, ông Lã Thanh Tân đề nghị, quận tiếp tục có những đóng góp cụ thể hơn về chế độ đãi ngộ với giáo viên, về đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học tích hợp. Với những nội dung trong thẩm quyền xử lý, giải quyết, Đoàn sẽ có văn bản hoặc làm việc trực tiếp với các đơn vị liên quan. Những nội dung khác, Đoàn sẽ có văn bản để đề nghị gửi các cơ quan có thẩm quyền./.