Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lao động kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế-xã hội.
(TTXVN) Theo UBND tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Qua đó, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lao động kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể giai đoạn 2022-2025, tỉnh tổ chức đào tạo 44.000 lao động, gồm trình độ cao đẳng 4.940 người, trung cấp nghề 4.020 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 35.040 người. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 35%.
Giai đoạn 2026-2030, Bến Tre tổ chức đào tạo 70.000 người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp là 10.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 45.000 người...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh thực hiện các chính sách thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo nghề tại nơi làm việc.
Tỉnh đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa.
Tỉnh đầu tư nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng theo yêu cầu của công nghệ mới, hiện đại hoá cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, định hướng phân tầng chất lượng và đặc thù các ngành, nghề đào tạo.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động trong tỉnh, khu vực, các vùng kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động.
Đồng thời, thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; đào tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh đối với doanh nghiệp, đảm bảo lao động qua đào tạo có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bến Tre hiện có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 14 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân bố đồng đều giữa các địa phương, các trường cao đẳng và trung cấp tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tuy có xu hướng tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số các cơ sở và chủ yếu đào tạo những nhóm nghề đầu tư thấp.
Những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Hằng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo khoảng 11.000 người, trong đó cao đẳng 800 người, trung cấp 1.200 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 9.000 người.
Đáng chú ý, chất lượng và hiệu quả đào tạo đã có những chuyển biến tích cực, từng bước chuyển từ hướng “cung” sang “cầu”; tỷ lệ sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao./.
- Từ khóa:
- Bến Tre
- phát triển
- đồng bộ
- hệ thống giáo dục
- nghề nghiệp