Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chiều 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, thực tiễn cho thấy, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện hành chưa có quy định cụ thể nguyên tắc về bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp thông tin cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Luật chưa có quy định cụ thể trách nhiệm của chủ thể chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân về trách nhiệm thực hiện theo nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát; chưa có quy định cụ thể sau giám sát, việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị sau giám sát…
Vì vậy, theo ông Cao Thanh Bình, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.
Góp ý với các điều khoản cụ thể của Dự án Luật, ông Cao Thanh Bình đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và vai trò của đại biểu dân cử trong việc giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri; đề nghị bổ sung Điều 30 và 31 nội dung quy định trách nhiệm của tổ đại biểu xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri tại địa bàn ứng cử và chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi việc giải quyết của các tổ chức, cá nhân và báo cáo về Quốc hội thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh.
Đối với Điều 44 (Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân), ông Cao Thanh Bình đề nghị bổ sung trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, bổ sung việc chuyển cơ quan thanh tra xử lý, có văn bản báo cáo những vấn đề cần làm rõ pháp lý trước khi các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét và giám sát chuyên đề. Thực tế cho thấy, nhiều nội dung xử lý cần xác minh, thu thập thông tin và cần có chuyên môn phân tích chuyên sâu nên khó có thể đảm bảo thời gian thực hiện.
Trong khi đó, ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cân nhắc không bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát nghị quyết của HĐND cấp tỉnh (điểm c, khoản1, Điều 4), vì hiện nay nghị quyết của HĐND cấp tỉnh ban hành hằng năm là rất lớn, quy định này sẽ làm tăng thêm công việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Dự thảo Luật cũng chưa có nguyên tắc xác định phạm vi lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đối với việc giám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do vậy nếu bổ sung quy định nói trên dễ dẫn đến chồng chéo và ảnh hưởng đến chất lượng giám sát.
Đại diện HĐND Thành phố đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung thêm quy định để bảo đảm sự đồng bộ về thẩm quyền giám sát của HĐND ở một số địa phương đã chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị; nghiên cứu, rà soát về hoạt động giám sát của HĐND ở các cấp chính quyền để bảo đảm tính phù hợp, khả thi; hoàn thiện trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND...
Tại Hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung “lĩnh vực đối ngoại” vào tiêu chí nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội (Điều 15a) và tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 26a, vì đối ngoại là một vấn đề quan trọng cần được Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là trong các trường hợp thông qua các điều ước quốc tế, các thỏa thuận song phương, đa phương, khu vực. Ngoài ra, đề nghị làm rõ, cụ thể hơn các tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát và các vấn đề giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Luật sư Trương Thị Hòa cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội lập cơ sở dữ liệu để kết nối Quốc hội với HĐND cấp tỉnh; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội lập cơ sở dữ liệu kết nối Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND các cấp thuộc phạm vi hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường hoạt động tuyên truyền về các công tác của Quốc hội, nhất là công tác giám sát để nhân dân được biết, nhằm thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thể hiện bổ sung mới 26 điều và 5 khoản; sửa đổi, bổ sung 41 điều, khoản; bãi bỏ 2 khoản Luật 2015 hiện hành (có 5 chương với 91 điều)./.