Dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác.
TTXVN - Luật Tài nguyên nước năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Qua hơn 8 năm triển khai thi hành, Luật đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, việc chấp hành quy định của Luật và nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước đã có nhiều chuyển biến và từng bước đáp ứng được nhu cầu về nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trước tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày một gia tăng, nguồn nước phụ thuộc phần lớn từ nước ngoài chảy vào, thực tiễn công tác quản lý còn chồng chéo, giao thoa, chưa thống nhất, một số vần đề phát sinh trong thực tiễn cần quản lý nhưng chưa được quy định trong Luật, nhiều vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết triệt để theo yêu cầu thực tiễn, cần phải sửa đổi, bổ sung.
Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Chính phủ đặc biệt quan tâm về vấn đề nước, không chỉ về chủ trương mà còn cả hệ thống pháp luật và chính sách Nhà nước như: Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có kết cấu 10 chương, 87 điều. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương; trong đó, giữ nguyên 19 điều; sửa đổi, bổ sung 55 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều. Đối chiếu với Dự thảo Luật đưa ra hồi tháng 3/2023, Dự thảo Luật được cập nhật vào tháng 9/2023 đã tiếp thu, bổ sung nhiều kiến nghị, góp ý của các cơ quan, hội ngành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân.
Chia sẻ những điểm mới của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Châu Trần Vĩnh cho rằng, Dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác.
Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về: Đảm bảo an ninh nguồn nước với các nội dung đối với điều hòa, phân phối tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước trong đó có nội dung về phân vùng chức năng nguồn nước; khai thác, sử dụng nước; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; trách nhiệm của các bộ, ngành...
Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, Khoản 5, Điều 35: Phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước quy định: “Nước thải xả vào nguồn nước phải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải, phù hợp với chức năng nguồn nước và sức chịu tải của môi trường nước tiếp nhận”. Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Vẻ đề nghị ghi rõ và phân loại các nguồn thải để có căn cứ xác định các nguồn xả thải, làm cơ sở xây dựng chính sách quản lý và phù hợp với các nguồn thải đã được quy định tại Khoản 3, Điều 37: "Nước thải khu công nghiệp, khu chế xuất; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; làng nghề; khu đô thị; đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện (căn cứ quy mô dân số)...".