Việc triển khai thực hiện chương trình góp phần thích ứng, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn tỉnh.
TTXVN - Ngày 26/9, UBND tỉnh Hậu Giang có buổi làm việc với đại diện Chương trình Blue Dragon và Trường Đại học Cần Thơ về kết quả thực hiện giai đoạn 1 Chương trình Blue Dragon trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên, Hậu Giang nằm ở vùng trũng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chịu ảnh hưởng của cả triều biển Đông và triều biển Tây, tình hình xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp. Do đó, việc triển khai thực hiện Chương trình Blue Dragon có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.
Cho biết tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục tham gia giai đoạn 2 của Chương trình Blue Dragon, ông Trương Cảnh Tuyên đề xuất, đại diện Chương trình Blue Dragon, Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu xem xét nguồn lực tài chính của chương trình để trang bị một số thiết bị dự báo ngập, quan trắc nước mặn, quan trắc nước mưa; kết nối, giới thiệu để tỉnh có thể tiếp cận các nguồn vốn vay, nguồn hỗ trợ quốc tế cho các dự án xử lý nước thải trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh các thủ tục để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của chương trình.
Theo ông Tjeerd Johannes Dijkstra, Quản lý Quan hệ đối tác Chương trình Blue Dragon, giai đoạn 1 của chương trình có mục tiêu xây dựng năng lực và cộng đồng trên lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên nước khu vực. Chương trình đã đào tạo về vận hành và bảo trì, quản lý tài sản; truyền thông; quản lý rủi ro ngập lụt cho các học viên từ thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang; dự kiến sẽ tập huấn về biến đổi khí hậu - thành phố chống chịu vào tháng 11/2023. Trong giai đoạn 2, bên cạnh các lớp tập huấn như ở giai đoạn 1 sẽ có các chủ đề mới về xử lý nước thải, khai thác nước ngầm và sụt lún đất.
Ông Tjeerd Johannes Dijkstra đánh giá, giai đoạn 1 đã có những thành công trong tập huấn về quản lý tài sản, vận hành và bảo trì, quản lý rủi ro ngập lụt và có sự tham gia hiệu quả của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, chương trình ít thành công ở chủ đề truyền thông - nâng cao nhận thức và cần cải thiện sự tham gia của các sở, ban, ngành khác như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Chương trình Blue Dragon là hoạt động hợp tác của Hiệp hội nước Hà Lan tại Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát triển các giải pháp bền vững, có thể nhân rộng liên quan đến quản lý tài nguyên nước tích hợp phục vụ cho vùng, gồm: vận hành và bảo trì các hệ thống trữ nước, quản trị nguồn nước, điều hành các trung tâm dữ liệu để kiểm soát lũ và quản lý rủi ro lũ lụt, quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước để các thành phố có khả năng chống chịu cao, quản lý dự án và xử lý nước thải, phát triển những phương pháp làm việc mới và đưa ra những quan điểm đổi mới sáng tạo cho các nhà quản lý nước trong tương lai.
Chương trình được triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (2019 - 2023), giai đoạn 2 (2024 - 2026), giai đoạn 3 (2027 - 2030). Việc triển khai thực hiện chương trình góp phần thích ứng, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 1 của tỉnh Hậu Giang là trên 287 triệu đồng. Chương trình đang được triển khai tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang./.
- Từ khóa:
- Hậu Giang
- quản lý
- tài nguyên nước