Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết, hành động mạnh mẽ, chung tay với các quốc gia trên thế giới bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Nằm trong chuỗi các hành động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với chủ đề “Chỉ một Trái đất và Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”, sáng 3/6, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái và hành động của chúng ta”. Hội thảo diễn ra với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết, hành động mạnh mẽ để chung tay với các quốc gia trên thế giới bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tháng 1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 05/NQ-CP thông qua Cam kết các Lãnh đạo vì thiên nhiên được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại Khóa họp lần thứ 75 vào tháng 11/2020.
Nhiều sáng kiến, hành động, giải pháp đã và đang được triển khai rộng khắp cả nước với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức bảo tồn, doanh nghiệp, người dân cùng với sự hỗ trợ và hợp tác của các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đẩy lùi được tốc độ suy thoái của các hệ sinh thái, sự tuyệt chủng của các loài và sự suy giảm nguồn gen.
Do đó, đẩy mạnh phát huy các sáng kiến, giải pháp và huy động sự tham gia, hợp tác của các thành phần trong xã hội là hết sức cần thiết để có thể thực hiện thành công các mục tiêu mà Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đã đề ra.
Chính vì vậy, hội thảo này là diễn đàn để các chuyên gia, các đại biểu thông tin, thảo luận về các khởi xướng, các sáng kiến, mục tiêu toàn cầu và quốc gia về đa dạng sinh học, đồng thời chia sẻ các kết quả, kinh nghiệm, thảo luận các cơ hội hợp tác trong tương lai nhằm nâng cao hiệu quả phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Bàn về bối cảnh toàn cầu và chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tháng 3/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố Thập kỷ 2021 - 2030 là Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái.
Mục tiêu chung của các Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái gồm: Phòng ngừa, ngăn chặn và đảo ngược sự tàn phá của không gian tự nhiên.
Ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-CP Phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược sẽ nhằm gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý hiếm được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước.
“Nhằm thực hiện tốt mục tiêu của Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang tiếp tục cải thiện khung chính sách và pháp lý; phục hồi hệ sinh thái (ưu tiên đất ngập nước nội địa và ven biển), loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng năng lực và quan hệ đối tác; hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng…”, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết thêm.
Chia sẻ kết quả bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã, ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn loài hoang dã, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cho biết, những năm gần đây, tổ chức này đã thành lập, mở rộng và nâng hạng các khu rừng đặc dụng để tăng cường phục hồi sinh cảnh và bảo tồn các loài hoang dã; giảm thiểu đe dọa đối với các loài hoang dã như: Tuần tra tháo gỡ bẫy và cứu hộ các loài; giám sát quần thể các loài chủ chốt thông qua bẫy ảnh, thiết lập điểm nghe (vượn và chim)...
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam tập trung bảo tồn và phục hồi một số loài tiêu biểu như: Sao la, hổ và voi...
Cụ thể, với bảo tồn loài hổ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam sẽ tăng cường quản lý các trại nuôi nhốt hổ hiện có; thực hiện Chiến lược ngưng trại nuôi nhốt hổ không vì mục đích bảo tồn; Chương trình nuôi nhốt phục hồi và tái thả hổ (Vườn Quốc gia Yok Don và Pu Mát).
Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành, các Sở Tài nguyên và Môi trường, các ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế, các chuyên gia và các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan về các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hướng đến một tương lai bền vững cho nhân loại; đề xuất các giải pháp phát triển bền vững đa dạng sinh học như: Giảm thiểu tác động của các chương trình, biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, bền vững./.
- Từ khóa:
- phục hồi hệ sinh thái