Môi trường

Nâng cao năng lực cho cán bộ tư vấn, phản biện xã hội lĩnh vực bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững cần áp dụng nhiều giải pháp có tính khả thi.

Quang cảnh buổi Hội thảo. (Ảnh:Thanh Hương/TTXVN)

(TTXVN) Ngày 23/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tăng cường năng lực cho các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc tham gia hoạt động môi trường và phát triển bền vững".  

Khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Hội thảo nhằm nâng cao năng lực, phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, tham gia vào công tác phản biện xã hội, chia sẻ kinh nghiệm tư vấn, phản biện trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các Hội thành viên, các Tổ chức khoa học và công nghệ.

Tiến sỹ, Lê Công Lương cho rằng, phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa: Phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; mối quan hệ giữa môi trường và phát triển bền vững có ảnh hưởng qua lại và tác động với nhau. Bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững là một chiến lược sống còn của nhân loại trong thế kỷ XXI.

Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp và phát huy tiềm lực trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. 

Các hoạt động bảo vệ môi trường tập trung vào các nội dung như: tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; tổ chức các hoạt động đánh giá tác động môi trường; thẩm định, phản biện các báo cáo đánh giá tác động môi trường; tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường; thực hiện các đề tài, dự án, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong phòng ngừa ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, xử lý, tái chế chất thải, cải thiện môi trường, các hệ sinh thái.

Học sinh và bộ đội tham gia nhặt rác trên bãi biển ở Côn Đảo. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ một số giải pháp của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tham gia hoạt động tư vấn, phản biện xã hội về môi trường và phát triển bền vững, Tiến sỹ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, để bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững cần áp dụng nhiều giải pháp có tính khả thi như: truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, xây dựng hành vi sống thân thiện với môi trường; tuyên truyền phổ biến luật pháp để mọi người dân biết, hiểu và thực hiện... hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.

Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất quan điểm phát triển bền vững trên phạm vi toàn thế giới. Bởi vì, bảo vệ môi trường thiên nhiên là bảo vệ ngôi nhà chung của loài người, đó là trách nhiệm chung của các nước, các tổ chức quốc tế và mọi người dân cùng chung tay bảo vệ ngôi nhà chung của mình. Bảo vệ môi trường thiên nhiên xanh tươi, trong lành, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. 

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững nên liên kết các thành viên có lĩnh vực hoạt động liên quan với nhau, tạo sức mạnh trong đội ngũ trí thức để có thể đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn và toàn diện hơn./.

Lý Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm