Ý thức tham gia giao thông của mỗi người phải luôn được rèn luyện, nâng cao.
Theo Công an tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn xảy ra gần 400 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 220 người, bị thương gần 240 người, tăng trên 100 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông là ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông chưa cao. Do đó, việc nâng cao ý thức, đạo đức người điều khiển phương tiện là yếu tố quan trọng nhất, để kéo giảm số vụ tại giao thông.
Theo Trung tá Hoa Hữu Tài, cán bộ Tổ tuyên truyền và xử lý tai nạn giao thông, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Châu Thành, qua một năm tuyên truyền an toàn giao thông theo kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông và Công an tỉnh Tây Ninh cho thấy, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đã dần ý thức và chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; số vụ vi phạm giao thông do nồng độ cồn, ma túy, xe quá tải, quá khổ, xe cơi nới thành thùng xe và giao phương tiện cho người không điều kiện lái xe… đã giảm.
Ông Nguyễn Hải Sơn (sinh năm 1970, ngụ huyện Châu Thành) là một trong những tài xế nhiều kinh nghiệm cho biết, bản thân ông luôn chấp hành đúng luật lệ giao thông, nghiêm túc, tuân thủ đèn tín hiệu giao thông và không được sử dụng bất kỳ chất kích thích nào để ảnh hưởng đến vấn đề lái xe. Hiện nay là thời điểm gần Tết, các phương tiện tham gia giao thông rất đông, đôi khi cũng có nhiều trường hợp lái xe rất ẩu, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng con người, đặc biệt là vào những thời điểm cao điểm khi các em học sinh tan trường.
“Là một người tài xế, tôi khuyên các anh em tài xế nên ý thức vấn đề an toàn khi tham gia giao thông, không sử dụng chất ma túy hay chất kích thích, luôn tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, đặc biệt ở những thời điểm cao điểm nên chạy với tốc độ thấp để kịp thời lý tình huống bất ngờ có thể xảy ra; nên có ý thức đến vấn đề an toàn giao thông, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra, ảnh hưởng đến tính mạng người khác, thì hối hận cũng đã muộn màng", ông Nguyễn Hải Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Lợi (chủ nhiều phương tiện vận tải của Cơ sở Trại hòm 6 Lợi, tại ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết: Vào lúc sáng sớm, trước khi các tài xế chuẩn bị nhận phương tiện, ông luôn kiểm tra, nhắc nhở họ tuân thủ nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ; nghiêm cấm không được sử dụng rượu, bia, chất kích thích; không được vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lấn tuyến, vượt ẩu… Trong khu dân cư, đô thị đông người, tốc độ chỉ nên duy trì ở mức 30, 40 km/h để đảm bảo an toàn giao thông. Tài xế phải luôn tỉnh táo và tập trung, nêu cao tinh thần trách nhiệm khi lái xe, xem tính mạng con người là trên hết.
Vào dịp cuối năm, khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng tăng cao, tình trạng xe quá khổ, quá tải, xe chở khách quá số người quy định sẽ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Vì vậy, ý thức tham gia giao thông của mỗi người phải luôn được rèn luyện, nâng cao để thực sự có trách nhiệm với bản thân, xã hội và với người tham gia giao thông khác.
Lái xe Phạm Trung Vĩnh (ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) cho biết: "Nếu mình chạy xe quá tải vi phạm giao thông sẽ bị phạt rất nặng và bị tước Giấy phép lái xe. Mà tụi tôi là tài xế, bằng lái xe là “cái cần câu cơm”, nên tôi và nhiều anh em tài xế khác rất hiểu và luôn ý thức phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ".
Theo Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa Thái Bá Hòa, khi vào vụ sản xuất, công ty đều ra thông báo cũng như có các quy định về an toàn giao thông trước khi vào vụ sản xuất mía. Những quy định về tham gia vận chuyển mía về nhà máy được triển khai tại những trạm nông vụ, mời các tài xế cũng như chủ mía đến tuyên truyền về việc chất mía cây phải gọn gàng trong thùng xe; đi chậm và đi vào giờ thấp điểm, tránh đi theo đoàn, đảm bảo an toàn giao thông, cũng như tránh gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông.
Thượng tá Trương Thành Lập, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay đã có quy định việc gắn với trách nhiệm của địa phương, nhất là người đứng đầu của Công an huyện, lãnh đạo phụ trách giao thông, cũng như Đội trưởng giao thông cấp huyện khi để xảy ra tình trạng xe lưu thông trên đường không đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể, sẽ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý cũng như đánh giá phân loại cán bộ nếu để xảy ra bức xúc của người dân trên địa bàn. Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh tích cực phối hợp với các huyện để thời gian tới kiềm chế tai nạn giao thông, đồng thời tăng cường triển khai các chuyên đề an toàn giao thông.
Trong năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Tây Ninh đã mở 5 đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tổ chức trên 14.000 ca tuần tra, kiểm soát với trên 47.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia. Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 14.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; thu nộp ngân sách hơn 35 tỷ đồng, tước trên 3.000 giấy phép lái xe và tạm giữ trên 7.000 phương tiện.
Có thể thấy, việc ngăn chặn triệt để các phương tiện tham gia giao thông đường bộ vi phạm là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan chức năng mà đòi hỏi sự vào cuộc có trách nhiệm của toàn xã hội để không tồn tại “vùng cấm”, ngoại lệ trong xử lý vi phạm giao thông./.
- Từ khóa:
- tai nạn giao thông
- an toàn giao thông
- Tây Ninh