Hội nhập

Nâng tầm hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ Việt Nam - Trung Quốc trong kỷ nguyên trí tuệ số

Giáo sư Lâm Nghị Phu đã có bài chia sẻ “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới: Góc nhìn từ kinh tế học cấu trúc mới”.

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm.
Ảnh: TTXVN phát

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình trong hai ngày 14-15/4, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, ngày 15/4, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việt Nam thịnh vượng trong kỷ nguyên mới”.

Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật và chính sách, kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp để tìm hiểu, thảo luận về các mô hình kinh tế mới, cải cách cơ cấu và chiến lược tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nhằm đưa Việt Nam tiến tới sự thịnh vượng bền vững, bao trùm trong kỷ nguyên mới.

Giáo sư Lâm Nghị Phu, Viện trưởng Viện Kinh tế học Cấu trúc mới, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), nguyên là chuyên gia Kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới là diễn giả khách mời của tọa đàm này. Là một trong những nhà kinh tế hàng đầu thế giới, ông đã có những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trên toàn cầu.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn phát biểu.
Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn chia sẻ: Với sứ mệnh là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội không ngừng nỗ lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cung cấp các tư vấn chính sách hiệu quả. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã ký kết và triển khai hợp tác với hàng chục cơ sở giáo dục hàng đầu Trung Quốc nh: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Nam Kinh, Đại học Hạ Môn… Sự hợp tác này không chỉ thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo mà còn góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ giữa hai nước trong kỷ nguyên trí tuệ số.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn và trật tự thương mại quốc tế có nhiều biến động, vai trò của hợp tác quốc tế và phát triển bền vững càng trở nên quan trọng. Những biến động này đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những chiến lược linh hoạt và sáng tạo để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội tin tưởng tọa đàm sẽ mang lại những góc nhìn mới mẻ và những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Giáo sư Lâm Nghị Phu chia sẻ tại tọa đàm.
Ảnh: TTXVN phát

Tại tọa đàm, Giáo sư Lâm Nghị Phu đã có bài chia sẻ “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới: Góc nhìn từ kinh tế học cấu trúc mới”. Dưới góc độ nghiên cứu về kinh tế học cấu trúc mới, cùng những kinh nghiệm và thực tiễn nhiều năm làm chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, Giáo sư Lâm Nghị Phu cho rằng, quá trình tìm kiếm sự thịnh vượng dẫu gian nan song cơ hội luôn chia đều cho các nước, nhất là các nền kinh tế đang phát triển. Thực tiễn cho thấy, đa số các nền kinh tế đi sau thành công trong vài thập niên gần đây đều là những hình mẫu của cách thức phát triển khác biệt nhiều so với các sơ đồ lý thuyết đã định hình. Điều này cần tiếp tục được nghiên cứu và tổng kết thành các bài học có giá trị.

Theo Giáo sư Lâm Nghị Phu, phần lớn các quốc gia đang phát triển mắc kẹt với bẫy thu nhập trung bình. Với Việt Nam, ông cho rằng, câu chuyện đổi mới cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã tạo được những bước chuyển mình cho đất nước. Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam cần tư duy lại định hình hướng phát triển trong tương lai. Giáo sư Lâm Nghị Phu cho rằng, chìa khóa cho giai đoạn này chính là đổi mới công nghệ, cải cách thể chế, nâng cấp ngành nghề. Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; người dân đang đồng lòng xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết những thách thức của thế hệ hiện tại trong thế kỷ này./.


Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm