Giải pháp an toàn đối với đơn vị, doanh nghiệp là sử dụng các sản phẩm bảo mật của các công ty công nghệ uy tín, sử dụng nền tảng bảo mật hợp nhất để bảo mật nhiều lớp, toàn diện.
TTXVN- Ngày 6/6, tại Hà Nội, Công ty Cung cấp giải pháp bảo mật toàn cầu Fortinet đã tổ chức chương trình thông tin về lĩnh vực an ninh mạng 2023 chủ đề “Trải nghiệm một tương lai an toàn”.
Đây là hoạt động thường niên của Fortinet để các chuyên gia công nghệ cung cấp thông tin, giải pháp mới nhất về an ninh mạng, thúc đẩy sự phát triển của an ninh mạng, bảo vệ con người, thiết bị và dữ liệu trên môi trường internet.
Chia sẻ về tình hình an ninh mạng, ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc Fortinet Việt Nam cho biết, theo thống kê, có đến 9 triệu mối đe dọa an ninh mạng diễn ra trong một ngày tại Việt Nam. Hành vi tấn công của tin tặc thường được thực hiện theo 3 bước: đầu tiên là thăm dò, do thám lỗ hổng bảo mật; tiếp đến cài virus nằm vùng và cuối cùng là phát động virus tấn công.
Các cuộc tấn công mạng có xu hướng gia tăng về mức độ nguy hiểm, quy mô tấn công. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin nói chung và kỹ sư an ninh mạng nói riêng khiến nguy cơ mất an ninh mạng gia tăng. Thêm vào đó, hệ thống đảm bảo an toàn an ninh của càng đơn vị càng đồ sộ sẽ càng chậm trong quá trình xử lý sự cố tấn công. Đây là ba yếu tố chính làm gia tăng rủi ro an ninh mạng trong tương lai.
Để biết được những thay đổi về xu hướng đảm bảo an ninh mạng, Fortinet đã thực hiện khảo sát tại 9 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về quan điểm của các nhà quản lý an ninh mạng đối với phương thức làm việc kết hợp, đặc biệt trong hoàn cảnh sau làm việc trực tuyến gia tăng do COVID-19. Cuộc khảo sát được thực hiện với 450 cán bộ quản lý an ninh mạng tại Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, trong 9 ngành phổ biến là: sản xuất, bán lẻ, hậu cần, y tế, tài chính, bảo hiểm, tài chính, bảo hiểm và khu vực công.
Kết quả cho thấy, sự gia tăng của những nhân viên làm việc từ xa với hai dạng, kết hợp làm trực tiếp và từ xa hoặc làm việc từ xa hoàn toàn. Như vậy, nhân viên trở thành những nhánh truy cập đơn lẻ khi không làm việc tập trung tại đơn vị. Mọi người có xu hướng sử dụng thiết bị cá nhân kết nối vào hệ thống của các đơn vị để làm việc thay vì sử dụng thiết bị được cung cấp tại văn phòng.
Số lượng thiết bị kết nối mạng (nhất là các thiết bị do cá nhân tự trang bị như điện thoại, máy tính, máy tính bảng…) để làm việc cũng gia tăng dẫn đến sự gia tăng mức độ phức tạp và rủi ro vi phạm bảo mật trên các thiết bị. Sự phổ biến của công nghệ điện toán đám mây (Cloud) và phương thức làm việc từ xa, khiến gia tăng số người, số thiết bị và dữ liệu được lưu giữ bên ngoài mạng doanh nghiệp dẫn đến gia tăng rủi ro mất an ninh mạng.
Với sự phát triển của công nghệ và thay đổi của phương thức làm việc trong chuyển đổi số, khảo sát đưa ra kết luận về tính cần thiết, cấp bách của việc các đơn vị, tổ chức cần áp dụng chiến lược bảo mật toàn diện để đối phó với sự phức tạp và nguy cơ rủi ro phát sinh khi phương thức làm việc từ xa ngày càng phổ biến.
Theo chuyên gia công nghệ Rashish Pandey (khu vực châu Á, Australia và New Zealand), khoảng 30% các thiết bị của nhân viên của một đơn vị đang kết nối mạng để xử lý công việc không đảm bảo các điều kiện bảo mật. Giải pháp an toàn đối với đơn vị, doanh nghiệp là sử dụng các sản phẩm bảo mật của các công ty công nghệ uy tín để đảm bảo.
Trước đây, khi sự cố tấn công mạng còn riêng lẻ, nhiều đơn vị chọn các giải pháp bảo mật riêng lẻ như mua các ổ khóa khác nhau để khóa từng cánh cửa. Hiện nay, với xu hướng gia tăng kết nối, các đơn vị nên sử dụng nền tảng bảo mật hợp nhất, như một hệ thống khóa tổng thông minh để đảm bảo sự vận hành an toàn của toàn hệ thống; đầu tư vào các giải pháp bảo mật để hỗ trợ lực lượng lao động làm là cách để giảm thiểu các mối đe dọa về tấn công mạng.
Tại chương trình, các chuyên gia công nghệ nhấn mạnh đến rủi ro mất an toàn an ninh mạng do thiếu hụt nguồn nhân lực. Do đó, trách nhiệm, sứ mệnh của các hãng công nghệ, bảo mật an ninh mạng là ngoài việc thiết kế, cung cấp các giải pháp còn phải góp phần nâng cao nhân thực về an toàn thông tin cho cộng đồng, tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực thực hiện đảm bảo an ninh mạng.../.