Xã hội

Nét đẹp văn hóa trong đại lễ Vu lan báo hiếu ở Hòa Bình

Hòa Bình

Vu Lan là ngày lễ có ý nghĩa quan trọng trong Phật Giáo và là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu tại khu Văn hóa tâm linh – Chùa Phật Quang Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Theo Thượng tọa Thích Đức Nguyên, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Vu Lan là ngày lễ báo hiếu. Chùa Phật Quang Hòa Bình đều tổ chức lễ Vu Lan vào tháng 7 âm lịch để mọi người cùng nhau tham dự lễ hội Báo hiếu - lễ hội Tình người. Trong mùa hiếu hạnh, Phật tử luôn ghi nhớ tứ trọng ân, nhất là công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tạo ra nhiều công đức lành, đi chùa tụng kinh, làm từ thiện, hồi hướng công đức lành đó cho cha mẹ hiện tiền của mình được tăng long phúc thọ, cho cha mẹ quá vãng được siêu sinh Phật quốc. 

Vu Lan là ngày lễ có ý nghĩa quan trọng trong Phật Giáo và là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong không khí trang nghiêm, thành kính của buổi lễ, hàng trăm tăng, ni, Phật tử và nhân dân đã được chứng kiến, tham gia vào các nghi thức như: Thỉnh Phật đại khoa, Khoa cúng Thánh Mẫu, khóa tụng kinh Vu Lan, lễ Mông Sơn, Cài hoa hồng... Trong đó, nghi thức Cài hoa hồng lên áo mang một ý nghĩa rất đặc biệt và không thể thiếu trong lễ Vu Lan báo hiếu.

Trước đó, ngày 24/8 (tức ngày 9/7 âm lịch), cũng tại khu Văn hóa Tâm linh - chùa Hòa Bình Phật Quang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức chương trình Thiền Trà - Trải nghiệm tình thương hiếu đạo và hạnh phúc; các khóa tụng kinh...

Buổi lễ trang nghiêm, thành kính trong mùa Vu lan báo hiếu tại chùa Phật Quang Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN phát)

Vu Lan là ngày lễ có ý nghĩa quan trọng trong Phật Giáo và là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính, nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và lòng biết ơn với tổ tiên, trách nhiệm, bổn phận của đạo làm con./.

PV

Xem thêm