Vùng Đông Nam bộ có khoảng 532.000 ha rừng, trong đó có 2 khu dự trữ sinh quyển, 4 hệ thống Vườn quốc gia. Rừng ở đây đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử để khai thác.
TTXVN - Ngày 27/8, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức diễn đàn Megacity Connect vùng Đông Nam bộ với chủ đề “Phát triển kinh tế dưới tán rừng”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2023 (Techfest Dong Nai 2023).
Diễn đàn được tổ chức nhằm kết nối những nguồn lực, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp, ý tưởng mới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng, giúp giảm thiểu việc lãng phí nguồn lực trong việc nghiên cứu, thử nghiệm và thương mại hóa. Với mục tiêu kết nối chặt chẽ, diễn đàn sẽ giúp phát huy thế mạnh của mỗi địa phương với các tiềm năng sẵn có về tài nguyên, con người trong phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của toàn vùng Đông Nam Bộ.
Vùng Đông Nam bộ có khoảng 532.000 ha rừng, trong đó có 2 khu dự trữ sinh quyển, 4 hệ thống Vườn quốc gia. Rừng ở Vùng Đông Nam bộ đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử để khai thác: gỗ, lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và tín chỉ carbon. Tuy nhiên, hiện tại phần lớn còn ở dạng tiềm năng.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã trình bày tham luận liên quan đến khai thác giá trị kinh tế sinh thái dưới tán cây rừng; đồng thời tập trung trao đổi các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển rừng, liên kết các địa phương trong vùng để khai thác giá trị rừng, đặc biệt là du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, nguồn nước, tín chỉ carbon.
Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, là địa phương có diện tích rừng lớn nhất Vùng Đông Nam bộ, trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 124.000 ha chiếm khoảng 48% tổng diện tích rừng tự nhiên của khu vực, rừng ở Đồng Nai có đặc trưng là có hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước đan xen, có nhiều loại động thực vật quý hiếm. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khoa học giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Theo ông Lê Văn Gọi, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện khai thác các giá trị kinh tế rừng, như khai thác gỗ, lâm sản bền vững ở 81.000 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất, giao hơn 17.000 ha cho các hộ dân canh tác nông lâm kết hợp; bảo vệ, phát triển rừng thu hút đầu tư, thu tiền dịch vụ môi trường rừng…
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa XI về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn, trình phê duyệt 1/4 đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các đơn vị chủ rừng. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo vệ và khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên rừng.
Trước đó, ngày 26/8, các chuyên gia, đại biểu tham dự diễn đàn đã tham quan một số khu rừng đang khai thác giá trị kinh tế trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán tỉnh Đồng Nai./.