Bến Tre có thể tham gia vào Chương trình khoa học và công nghệ Net Zero góp phần thúc đẩy, tạo giá trị gia tăng, giảm thiểu tác động đến môi trường...
Sáng 16/8, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học ngành dừa với chủ đề “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới Net Zero”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nhấn mạnh, hội thảo nhằm trao đổi về những định hướng nghiên cứu mới trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của ngành dừa Bến Tre trong bối cảnh hội nhập quốc tế, làm nền tảng xây dựng giải pháp phù hợp, nâng cấp chuỗi giá trị dừa của tỉnh thời gian tới. Qua đó, mời gọi kết nối các tổ chức hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn cách tính tín chỉ carbon, đánh giá chứng nhận, thị trường tiêu thụ, phục vụ hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành dừa bền vững.
Ông Trần Ngọc Tam thông tin, đến tháng 6/2024, diện tích dừa của Bến Tre là hơn 79.000ha, lớn nhất cả nước. Nơi đây được mệnh danh là "Xứ sở dừa Việt Nam”, giúp địa phương thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm từ xuất khẩu các sản phẩm từ dừa. Trong quá trình phát triển, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy lợi thế của cây dừa, một loài cây công nghiệp chủ lực của Bến Tre. Tỉnh tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước, thị trường quốc tế, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh.
Với trên 79.000ha dừa, Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2 (chưa kể cây dưới tán dừa). Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, chủ động phối hợp các chuyên gia nghiên cứu tiềm năng, giá trị của thị trường carbon đối với ngành nông nghiệp, nhất là cây dừa và cây lâu năm…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, hội thảo lần này rất quan trọng, cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó cũng khẳng định vai trò, vị trí của cây dừa trong nền kinh tế nông nghiệp và khả năng thích ứng biến đổi khi hậu cùng tiềm năng lưu giữ carbon của loại cây này. Ông cho hay, nghiên cứu cho thấy, tiềm năng tín chỉ carbon từ dừa rất lớn. Với diện tích canh tác chiếm trên 80% tổng diện tích trồng dừa của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm chế biến các sản phẩm từ dừa của Việt Nam. Cây dừa là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm phụ từ vỏ, xơ, gáo dừa ... đều có giá trị kinh tế cao và tạo nên chuỗi giá trị bền vững cho ngành dừa Việt Nam.
Một giá trị mới, quan trọng khác của cây dừa là tiềm năng lưu giữ carbon, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hướng đến nền sản xuất carbon thấp. Sản phẩm từ dừa có khả năng thay thế vật liệu từ nhiên liệu hóa thạch như nhựa cũng đóng góp giảm thiểu phát thải carbon. Việc tận dụng tiềm năng lưu giữ carbon của cây dừa không chỉ góp phần vào chiến lược giảm phát thải của Việt Nam, mà còn mở ra cơ hội kinh tế mới thông qua phát triển các thị trường tín chỉ carbon. Điều này giúp nông dân tăng thu nhập, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh, thân thiện môi trường.
Theo Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Trần Trung Tính, để phát huy tối đa tiềm năng của cây dừa, việc xây dựng và phát triển mô hình canh tác bền vững, thân thiện môi trường là rất cần thiết. Các mô hình này tập trung nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hướng tới giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và duy trì cân bằng sinh thái. Việc tham gia vào các chương trình khoa học và công nghệ hướng tới mục tiêu Net Zero là bước đi cần thiết để khẳng định vai trò tiên phong của cây dừa trong chiến lược phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 200.000 ha dừa; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 175.000 ha, tập trung chủ yếu ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… Hiện nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dừa trên thế giới ngày càng tăng, các sản phẩm chế biến từ dừa như kẹo dừa, dầu dừa, chỉ dừa, than hoạt tính được xuất khẩu với khối lượng và kim ngạch ngày càng tăng. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đạt hơn 1 tỷ USD. Các sản phẩm từ dừa được xuất khẩu sang 80 nước, vùng lãnh thổ. Để ngành dừa phát triển bền vững, vấn đề liên kết sản xuất rất quan trọng. Trong đó, doanh nghiệp chế biến là nhân tố dẫn dắt phát triển sản xuất, đẩy mạnh liên kết về chế biến, tiêu thụ trái tươi với nông dân, xây dựng vùng sản xuất tập trung…
Khi triển khai các nội dung phù hợp, ngành dừa cả nước, trong đó có Bến Tre có thể tham gia vào Chương trình khoa học và công nghệ Net Zero góp phần thúc đẩy, tạo giá trị gia tăng, giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững./.
- Từ khóa:
- Bên Tre
- Net zero
- môi trường
- ngành dừa