Thời tiết

Ngày 15/4, Bắc Bộ chấm dứt hiện tượng mưa phùn, nồm ẩm

Thời tiết nồm ẩm diễn ra như hiện nay là phù hợp với quy luật hàng năm. Thông thường phải hết tháng 4, nồm ẩm mới có thể giảm hẳn.

Ngã tư Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến mờ ảo trong làn sương và mưa bụi. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

TTXVN - Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh yếu khiến hiện tượng mưa phùn, nồm ẩm tạm thời chấm dứt. Tuy nhiên, đợt gió mùa Đông Bắc này cũng không mạnh, nó chỉ duy trì tác động trong khoảng ngày 15/4 đến sáng 16/4 sẽ kết thúc.

"Thời tiết nồm ẩm diễn ra như hiện nay là phù hợp với quy luật hàng năm. Thông thường phải hết tháng 4, nồm ẩm mới có thể giảm hẳn", ông Hưởng nhấn mạnh.

Đề cập đến hình thái thời tiết trong những ngày tới ông Hưởng cho rằng, nửa cuối tháng 4, khả năng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ sẽ có những đợt nắng nóng cục bộ. Trong khi đó, tại phía Nam, khu vực miền Đông Nam Bộ vẫn có nhiều ngày nắng nóng.

Cụ thể, phía Tây Bắc Bộ đêm 14-15/4 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; từ ngày 18-22/4 có nắng nóng cục bộ.

Phía Đông Bắc Bộ, đêm 14-15/4 có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, từ đêm 14-15/4 có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; vùng núi phía Tây từ ngày 18-22/4 có nắng nóng cục bộ.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ ngày 15-18/4, chiều tối và tối có mưa rào, dông rải rác.

Đề phòng các khu vực mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, trước các hình thái thời tiết trên, người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.

Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai bằng các hình thức khác nhau; vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá...

Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó./.

Thắng Trung

Xem thêm