Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5: Hướng tới phát triển trung tâm nghiên cứu trọng điểm
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức kỷ niệm Ngày Khoa học công nghệ và hội thảo khoa học giải pháp phát triển Viện thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Hà Nội (TTXVN 17/5)Ngày 17/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/1963-18/5/2023) và Hội thảo khoa học: "Giải pháp phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới".
Đây là dịp để tôn vinh các nhà khoa học, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực của các nhà khoa học trong nghiên cứu tư vấn chính sách; đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về cách thức, tiêu chí và nội dung cần triển khai trong thời gian tới để xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh, bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, trước những cơ hội và thách thức và yêu cầu đặt ra cho Viện Hàn lâm trong việc thực hiện Nghị quyết 45 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, trong đó nhiệm vụ đặt ra cho Viện Hàn lâm phát triển thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, cần phải có đủ điều kiện, năng lực để giữ vững vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức... Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm cần tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học; xác định lĩnh vực, hướng nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên gắn với yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Nguyễn Đức Minh đề nghị các nhà khoa học, các viên chức, người lao động của Viện Hàn lâm tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, đóng góp hiệu quả hơn nữa, duy trì, phát huy vị trí của Viện Hàn lâm trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của nước nhà.
Chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu đưa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tài Đông, Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, để có được đột phá trong công tác nghiên cứu, nhất là nghiên cứu khoa học xã hội cần một hệ giải pháp đồng bộ về nhân sự nghiên cứu khoa học phải bình đẳng, dân chủ, công bằng trong nghiên cứu; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu và đào tạo về khoa học xã hội, tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường đại học quốc tế; khuyến khích thu hút các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu, giảng dạy, học tập, tiến hành các hoạt động khoa học khác, đồng thời tăng cường, phát triển năng lực nội sinh của khoa học xã hội. Ngoài ra phải có chiến lược đào tạo nhằm tăng cường khả năng hoạt động khoa học, thích ứng trước thực tiễn mới trong sự phát triển của Việt Nam và giao lưu, hội nhập quốc tế...
Theo Tiến sỹ Nguyễn Cao Đức, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản và đặc biệt là tư vấn chính sách phát triển cho Đảng và Nhà nước để gia tăng số lượng ấn phẩm khoa học tiếp cận chuẩn quốc tế đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới; chủ động xây dựng cơ chế mở, linh hoạt và cầu thị để phát hiện, đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học xã hội nhằm góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về khoa học xã hội nhân văn trong tình hình mới, hướng tới tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế trong khu vực và trên thế giới...
Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, hệ thống từ các cấp, sự phối hợp của các ngành liên quan. Nếu thực hiện được, Việt Nam sẽ có một trung tâm nghiên cứu đóng góp thiết thực vào nền tảng tri thức quốc gia và đạt được uy tín cao, cùng với các trung tâm nghiên cứu lớn khác trên thế giới.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp về cơ hội và thách thức đối với việc xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; trao đổi, thảo luận về việc xây dựng Viện Hàn lâm theo đúng nhiệm vụ, yêu cầu đã đặt ra từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045.
Nhân dịp này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã biểu dương và tôn vinh các đơn vị, cá nhân nhà khoa học có thành tích trong hoạt động khoa học công nghệ năm 2023./.