Khoa học

Khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội

Thái Nguyên

Thái Nguyên cần xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ.

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên phát biểu. 
Ảnh: Thu Hằng - TTXVN 

Ngày 15/5, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo khoa học nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 25/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển khoa học và công nghệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghiệp tỉnh khẳng định, sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 21, hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật công nghệ, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp,… Trong đó, trình độ phát triển khoa học công nghệ trên một số lĩnh vực đã đạt mức tiên tiến, hiện đại như công nghệ sinh học, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin…

Tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua luôn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ của tỉnh có số lượng gấp khoảng 5 lần so với bình quân chung của cả nước với tỷ lệ và cơ cấu tương đối hợp lý. Chất lượng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ cũng ngày càng được nâng lên. Nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, khoa học tự nhiên… đã bám sát định hướng phát triển của tỉnh như: Mô hình Trồng thâm canh các giống chè mới theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô 10 ha tại xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên; mô hình Sản xuất, chế biến chè có kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chí của bộ nguyên tắc UTZ Certified tại Hợp tác xã chè Tân Hương, thành phố Thái Nguyên; nghiên cứu cải tiến quy trình công nghệ tận thu quặng thiếc chứa hàm lượng sắt cao; thiết kế thử nghiệm mô hình bù SVC nhằm nâng cao chất lượng lưới điện cung cấp cho phụ tải công nghiệp tại Thái Nguyên… Những kết quả trên đã đưa tỉnh trở thành địa phương đứng thứ 10 cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 - PII do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Điều này khẳng định, khoa học và công nghệ là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua

  Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên trình bày tham luận
Ảnh: Thu Hằng - TTXVN

Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu cho rằng, Chỉ thị số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên là chỉ đạo, định hướng lớn cho hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh; là động lực quan trọng xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 (theo mục tiêu Quy hoạch tỉnh đã đề ra).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình triển khai Chỉ thị 21 như: Cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ vẫn còn một số bất cập. Các doanh nghiệp trong nước tại tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, hạn chế về nguồn lực nên khó có khả năng đầu tư tài chính cho hoạt động đổi mới công nghệ. Nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong các cơ quan, đơn vị còn thiếu và yếu...

Tiến sĩ Hứa Thị Kiều Hoa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên trình bày tham luận
Ảnh: Thu Hằng - TTXVN

Tiến sĩ Hứa Thị Kiều Hoa (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên) nêu quan điểm, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, tiếp tục thực hiện có hiệu quả sự nghiệp khoa học công nghệ, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khoa học công nghệ, xác định phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tỉnh đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học công nghệ từ công tác quản lý khoa học, quản lý công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ,... theo hướng hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần thúc đẩy sự liên thông của thị trường khoa học và công nghệ với thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn.

Ngoài ra, Thái Nguyên cần xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giỏi, đầu ngành. Đặc biệt, tỉnh cần mở rộng quan hệ hợp tác phát triển khoa học công nghệ trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các tổ chức khoa học công nghệ Trung ương, các Viện nghiên cứu, trường đại học nhằm tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị thực tiễn cao./.

Thu Hằng

Tin liên quan

Xem thêm