Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5: Đổi mới hoạt động giáo dục trải nghiệm văn hóa tại các bảo tàng
Tọa đàm nhận được gần 20 ý kiến tham luận của các đại biểu trong đó có nhiều ý kiến mang lại góc nhìn đa dạng, sâu sắc về mối quan hệ giữa bảo tàng, di tích – di sản văn hóa – sinh viên.
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), ngày 17/5, tại Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sinh viên Thái Nguyên với bảo tàng và Di sản văn hóa Việt Nam”.
Ông Nguyễn Cảnh Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhận định, Thái Nguyên là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước, mỗi năm có khoảng 90 nghìn sinh viên, lưu học sinh nghiên cứu học tập tại 26 trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ cho thấy, lượng sinh viên đến với bảo tàng chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số sinh viên toàn tỉnh. Trong khi bảo tàng và di tích có thể coi là một trong những địa chỉ tin cậy để sinh viên tìm hiểu về di sản văn hóa, với đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực bảo tàng, có nguồn hiện vật và tài liệu dồi dào...
Tọa đàm được tổ chức với mong muốn được tiếp cận với góc nhìn đa dạng, sâu sắc và thấu hiểu hơn về cách xây dựng chương trình quảng bá hoạt động, chương trình di sản và cách thức thu hút công chúng trẻ là sinh viên đến với bảo tàng.
Tọa đàm nhận được gần 20 ý kiến tham luận của các đại biểu trong đó có nhiều ý kiến mang lại góc nhìn đa dạng, sâu sắc về mối quan hệ giữa bảo tàng, di tích – di sản văn hóa – sinh viên...
Theo Thạc sỹ Dương Hà, nghiên cứu sinh đến từ Khoa Nhân học và Khảo cổ, Trường Đại học Bristol (Vương quốc Anh), mối quan hệ giữa bảo tàng và các trường đại học đã hình thành từ rất sớm và đó là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Các bảo tàng cung cấp nguồn chất liệu quý giá, xác thực cho công việc giảng dạy, học tập của các trường. Ngược lại, các nhà nghiên cứu, sinh viên cũng là nguồn lực quan trọng trong việc tạo ra những thay đổi tích cực cho các bảo tàng. Điều này càng quan trọng hơn trong xu thế phát triển mới của bảo tàng hiện nay, đòi hỏi các bảo tàng phải thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò xã hội của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự liên hệ hợp tác này còn mang tính chất ngắn hạn, đôi khi là một chiều khi các trường đại học tìm đến các bảo tàng như một cơ sở học tập ngoại khóa, tiếp nhận sinh viên thực tập. Trong khi đó, bảo tàng vẫn chưa phát huy hết nguồn lực từ các trường đại học để tạo ra sự đổi mới trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Thạc sỹ Dương Hà nhấn mạnh, phải làm rõ mối quan hệ hợp tác giữa bảo tàng và các trường đại học, cụ thể, cần trả lời câu hỏi như: Bảo tàng mang lại những gì cho sinh viên; sinh viên mang lại những gì cho bảo tàng; những vấn đề còn tồn tại trong mối quan hệ hợp tác giữa hai chủ thể này là gì… Theo Thạc sỹ Dương Hà, để mối liên hệ này được lâu dài, hiệu quả, cần có sự đầu tư nghiên cứu, khảo sát nhu cầu và đánh giá mức độ hợp tác từ cả hai phía. Những mô hình hợp tác hiệu quả cho thấy năng lực dồi dào của sinh viên trong các dự án hợp tác với bảo tàng khi họ được đánh giá đúng mức và trao cơ hội thể hiện. Điều này cũng phần nào tạo động lực mạnh mẽ cho các bảo tàng trong việc chủ động tiếp cận và khai thác nguồn nhân lực từ sinh viên các trường để nâng cao chất lượng hoạt động của mình.
Trao đổi về việc khai thác di sản văn hóa phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của sinh viên, em Nguyễn Thị Kim Hồng, sinh viên Khoa Quốc tế, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên cho rằng, bảo tàng có thể đưa ra các thỏa thuận hợp tác chính thức với những bộ môn như lịch sử, văn hóa đọc, nghệ thuật… tại các trường đại học. Từ đó, phối hợp với nhà trường xây dựng kế hoạch và chương trình làm việc cụ thể nhằm phát triển các dự án nghiên cứu về di sản văn hóa, trong đó sinh viên và giáo viên đều có thể tham gia. Điều này sẽ tạo môi trường thú vị và tích cực để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, giúp sinh viên hiểu rõ hơn quy trình nghiên cứu và ứng dụng kiến thức, giá trị văn hóa vào thực tế. Bên cạnh đó, việc sử dụng các kênh truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok… để chia sẻ thông tin và hình ảnh về hoạt động của bảo tàng cũng là hình thức tiếp cận hiệu quả với một lượng lớn sinh viên.
Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nêu quan điểm, di sản văn hóa chính là giá trị cốt lõi của bảo tàng và ngược lại, bảo tàng sẽ là cầu nối đưa di sản văn hóa đến với sinh viên. Đây là mối quan hệ hai chiều, trong đó bảo tàng sẽ phát huy được lợi thế vốn có, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa đưa di sản tới đông đảo công chúng. Nhà trường và sinh viên sẽ có thêm địa chỉ tin cậy về di sản văn hóa, tham quan, nghỉ ngơi, đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Cảnh Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đánh giá cao những ý kiến tham luận của các đại biểu, đồng thời khẳng định đây sẽ là những luận cứ quan trọng, mang tính thực tế và gợi mở nhiều nội dung, hướng đi cũng như cách nhìn nhận của bảo tàng với các trường đại học và ngược lại. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới hoạt động giáo dục trải nghiệm văn hóa tại các bảo tàng cũng như nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường./.