Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, con người cần tiếp cận với những nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại, bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại, mở cánh cửa hướng tới tương lai.
TTXVN - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, con người cần tiếp cận với những nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại, bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại, mở cánh cửa hướng tới tương lai. Việc xây dựng văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam.
* Lan tỏa văn hóa đọc qua các cuộc thi
Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được ban hành. Chỉ thị số 42/CT-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân... đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi. Phát triển hệ thống sách song ngữ, xuất bản nhiều sách bằng tiếng dân tộc với trình độ thích hợp, đáp ứng nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số”. Đồng thời cũng xác định nhiệm vụ “tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các phòng đọc, trước hết ở cơ sở”.
Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 329/QĐ-TTg, xác định mục tiêu cụ thể là: “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập”.
Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trên cơ sở đó, Bộ đã chỉ đạo Vụ Thư viện phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, hữu ích, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện ích giúp cho người dân có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin, tri thức hiệu quả. Bộ đã tổ chức các cuộc thi như: Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc, Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách… nhằm đưa văn hóa đọc ngày càng lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, ở nhiều vùng miền khác nhau.
Trong đó, Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thường niên từ năm 2018. Đây là giải thưởng uy tín, có ý nghĩa được trao cho tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc, nhằm kịp thời tôn vinh những đóng góp quý báu, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho việc phát triển văn hóa đọc tại bộ, ngành, địa phương, các vùng miền và trong cộng đồng.
Sau 6 lần trao Giải thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tôn vinh được trên 150 tập thể, cá nhân tiêu biểu, từ đó tạo động lực để kết nối và lan tỏa rộng rãi văn hóa đọc trong cộng đồng, phát huy hiệu quả vốn tài liệu trong thư viện thông qua việc tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân với nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được triển khai từ năm 2019, phát động trên quy mô toàn quốc cũng đạt được những thành công ấn tượng. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị địa phương, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên, học sinh khiếm thị, sự quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh cùng các thầy, cô giáo. Qua 4 lần tổ chức từ năm 2019-2022, cuộc thi đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt thí sinh tham dự ở vòng sơ khảo. Số lượng thí sinh tham dự tăng mạnh theo mỗi kỳ tổ chức đã phần nào khẳng định sức lan tỏa của cuộc thi.
Cùng với 2 giải thưởng lớn để tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong phát triển văn hóa đọc, những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức nhiều cuộc liên hoan, tọa đàm, hội thảo, hội nghị về phát triển văn hóa đọc. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động thiết thực, bổ ích trong Ngày sách và văn hóa đọc theo quyết định của Chính phủ…
* Văn hóa đọc bồi đắp tri thức
Nói về vai trò của văn hóa đọc, bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: Văn hóa đọc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Phát triển văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên những công dân có trí tuệ, có khả năng sáng tạo, có đạo đức, lối sống lành mạnh và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.
Đồng quan điểm, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng cũng cho rằng: Mỗi cuốn sách hay không chỉ chứa cả kho tàng tri thức, tinh hoa trong đó, mà còn mở ra cánh cửa hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ với những thông điệp đầy tính nhân văn. Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc - UNESCO chọn ngày 23/4 là "Ngày Sách và Bản quyền thế giới' và tại nước ta, ngày 21/4 hàng năm đã được Quốc hội thông qua là "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam". Đây là những quyết định quan trọng nhằm khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của sách trong đời sống xã hội.
Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, việc khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng hiện nay không chỉ giới hạn trong các tài liệu in truyền thống, mà còn mở rộng trên các phương tiện nghe, nhìn, nền tảng số. Đồng thời, tôn vinh những người viết sách, làm sách, lưu giữ, quảng bá sách, kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài tạo ra những hiệu ứng tích cực xây dựng một xã hội học tập góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
“Tri thức của cá nhân hay cộng đồng được hình thành thông qua sự lựa chọn trong quá trình tiếp nhận và trải nghiệm thực tiễn. Để việc đọc sách trở thành thói quen của mỗi người dân, tạo nên nền tảng phát triển nhận thức và tư duy về cuộc sống cần có sự phối hợp chặt chẽ của các thiết chế văn hóa, đặc biệt là hệ thống thư viện - cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, nơi học tập suốt đời cho mọi người” - ông Nguyễn Xuân Dũng nhấn mạnh.
Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa đọc với sự phát triển của đất nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Xây dựng văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam. Bối cảnh mới với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi thói quen đọc sách, hình thành thói quen mới cho người đọc sách hiện đại.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, để văn hóa đọc phát triển một cách bền vững, cần có sự đồng hành, chung tay của các tập thể, cá nhân để lan tỏa tình yêu với văn hóa đọc đến với mọi tầng lớp nhân dân, mọi đối tượng trong cộng đồng, góp phần chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
“Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh mới, các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục tăng cường đưa sách đến với công chúng thông qua các hoạt động tổ chức hội sách, giới thiệu sách, triển lãm sách, tặng sách, tiết học đọc sách, gia đình đọc sách, phục vụ đọc sách bằng xe ô tô lưu động và nhiều hoạt động thiết thực khác... Bên cạnh việc tổ chức theo phương thức truyền thống, cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức các dịch vụ kết nối số đáp từng nhu cầu tiếp cận, sử dụng thông tin của mọi người”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh./.
- Từ khóa:
- văn hóa đọc
- thư viện
- ngày sách
- Việt Nam