Với thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, chương trình là những hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
TTXVN - Sáng 20/4, tại Nhà văn hóa xã Tiên Tân (thành phố Phủ Lý), UBND tỉnh Hà Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức Hội sách tỉnh Hà Nam năm 2024, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4; đồng thời tổ chức nói chuyện chuyên đề "văn hay, sách quý đồng hành cùng chúng ta cất cánh".
Tại Lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam Nguyễn Thanh Tuân cho biết, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 với thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn” là những hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung, góp phần khẳng định vai trò, tầm quan trọng của đọc sách; tôn vinh giá trị của sách, khuyến khích phong trào đọc sách trong nhà trường, cộng đồng, giúp học sinh có thêm niềm say mê đọc sách. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc. Một trong những điểm nhấn của sự kiện này là chương trình nói chuyện chuyên đề "văn hay, sách quý đồng hành cùng chúng ta cất cánh", với diễn giả là Đại tá, nhà văn Chu Lai.
Nhà văn Chu Lai là một trong những nhà văn quân đội có tên tuổi trong nền văn học Việt Nam sau 1975. Ông chính là chiến sỹ đặc công hoạt động trong vùng Sài Gòn nên cảm hứng văn học và những tác phẩm của ông chủ yếu mang đề tài về chiến tranh và người lính ở cả hai giai đoạn trong và sau cuộc chiến tranh. Dưới ngòi bút chân thật, sinh động, các tác phẩm của ông đều có người tốt, kẻ xấu, có người thất bại, có người thành công, có người cao cả, có kẻ thấp hèn và cả những nhân vật tha hóa, không đủ bản lĩnh đối chọi với sự cám dỗ hay thực tế của đời sống. Những con người này "len lỏi" khắp nơi trong cả cuộc chiến tranh hay trong cuộc sống thời bình. Nổi bật, những tác phẩm của nhà văn Chu Lai được độc giải biết đến như “Ăn mày dĩ vãng”; “Sông xa”; “Ba lần và một lần; “Cuộc đời dài lắm”; “Vòng tròn bội bạc”; “Mưa đỏ”… Không chỉ thành công với truyện ngắn, tiểu thuyết, nhà văn Chu Lai còn được biết đến là nhà viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim với nhiều tác phẩm nổi tiếng: Hà Nội đêm trở gió, người Hà Nội, người mẹ tự cháy, người đi tìm dĩ vãng….
Phát biểu tại buổi lễ, nhà văn Chu Lai cho biết, thế hệ những người viết đi ra từ trong lòng cuộc chiến tranh như ông, Lê Lựu, Bảo Ninh, Phạm Tiến Duật… đã có được những tác phẩm xúc động lòng người. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm có lẽ chỉ phản ánh được một lát cắt của cuộc chiến vĩ đại ấy. Chúng ít nhiều có được vị trí trong lòng bạn đọc trong nước, nhưng chưa thể vươn tới tầm nhân loại bởi chưa có được tầm tư tưởng lớn, cũng chưa xứng tầm với cuộc chiến vĩ đại mà cha anh đã đổ bao xương máu.
Cho rằng đề tài chiến tranh, cách mạng và người lính là "siêu đề tài", nhân vật người lính là "siêu nhân vật", các nhà văn có thể đào xới, khai thác muôn đời không hết, nhà văn Chu Lai hy vọng những thế hệ trẻ tiếp nối có thể giúp cha ông trả được "món nợ" với cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước, để có được tác phẩm xứng tầm với cuộc chiến tranh và xương máu cha ông đã đổ ra.
Nhằm khuyến khích và khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho các học sinh Hà Nam nói riêng và bạn đọc nói chung, nhà văn Chu Lai cho rằng, các trường học trên địa bàn tỉnh nên triển khai, tạo ra không gian mở, góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh và phát triển văn hóa đọc trong học đường. Mô hình được tổ chức dưới hình thức xây dựng, sắp xếp các kệ sách thu nhỏ ngay ngoài sân trường, dưới những tán cây. Tại đây, các em được tự do thoải mái tìm đọc các cuốn sách mà mình chọn. Đây là cách làm hay, sáng tạo giúp học sinh chơi mà học, học mà chơi./.