Văn hóa

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ tại Trung tâm Chính trị-Hành chính mới

Hải Phòng

Lễ hội cũng là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Hải Phòng - thành phố cảng lớn nhất Miền Bắc, trung tâm vùng Đồng bằng Duyên hải, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc...

TTXVN - Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 được tổ chức gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng thành phố (13/5/1955 - 13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO. Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng khẳng định tại sự kiện Cung cấp thông tin và Giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố phối hợp tổ chức, chiều 19/4.

Với chủ đề "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản", Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là dịp tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cảng trong hiện thực hóa định hướng phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.

Lễ hội cũng là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Hải Phòng - thành phố cảng lớn nhất Miền Bắc, trung tâm vùng Đồng bằng Duyên hải, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên kết và phát triển kinh tế đối ngoại của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc cũng như trong cực phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Phòng có đủ điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp nhận các thành tựu khoa học, kỹ thuật của thế giới. Đặc biệt, Hải Phòng còn là thành phố có bề dày truyền thống lịch sử và chiều sâu văn hóa, đậm đặc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý báu với 555 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 119 di tích quốc gia…

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, chuỗi hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng năm 2024 gồm các sự kiện: Chương trình nghệ thuật Đêm hội "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản" được tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 11/5, tại địa điểm mới: Quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị-Hành chính tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên.

Tổng thể sân khấu lấy cảm hứng từ hình tượng bông hoa Phượng bừng nở, tạo cảm quan thưởng ngoạn ở nhiều góc độ khác nhau về thành phố Hải Phòng vươn lên mạnh mẽ, ngập tràn sức sống, nêu bật dấu ấn trọng đại, thành tựu quan trọng trong hành trình xây dựng, phát triển thành phố.

Chương trình đêm hội được dàn dựng với chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện các giá trị, nét đặc trưng tiêu biểu nhất về huyền thoại, lịch sử, di sản văn hóa, hình ảnh, con người Hải Phòng bằng thực cảnh, kết hợp cùng công nghệ AR (thực tế ảo). Đặc biệt, đêm hội có sự tham gia, trình diễn của các nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố. Kết thúc chương trình là màn pháo hoa tầm cao và tầm thấp kéo dài 15 phút.

Cùng đó, tại Quảng trường Nhà hát thành phố, một sân khấu được lắp dựng để phục vụ cho chuỗi hơn 30 sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao được tổ chức xuyên suốt từ ngày 30/4 đến ngày 1/6/2024.

Ngoài ra, thành phố còn có 26 sự kiện tiêu biểu và 78 hoạt động hưởng ứng về kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch diễn ra tại khu vực dải Trung tâm thành phố, Khu đô thị Bắc sông Cấm, Trung tâm các quận, huyện ngay từ những ngày cuối tháng 3/2024 và tập trung cao vào tháng 5. Các hoạt động không chỉ do các cơ quan, đơn vị của thành phố tổ chức mà còn lan tỏa và có sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước./.

Đoàn Minh Huệ

Tin liên quan

Xem thêm