Bản sắc văn hóa các dân tộc được kết tinh từ những giá trị truyền thống quý báu, được truyền từ đời này sang đời khác, là di sản, tài sản vô giá của quốc gia.
TTXVN - Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đã diễn ra chiều 18/4 tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là hoạt động ý nghĩa nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19/4), có sự tham gia của hơn 120 đại biểu, đại diện cho nhiều dân tộc.
Hội nghị lần này nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, di sản vô quý báu của dân tộc và những đóng góp to lớn của các chủ thể văn hóa đang gìn giữ, phát huy, lan tỏa, truyền dạy kiến thức văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ còn là những người gắn kết cộng đồng, “giữ lửa” ở các bản, buôn, làng, phum sóc, trao truyền tinh hoa văn hóa cho thế hệ sau.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ nêu rõ: Việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hoá là bản sắc dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất”. Tổng Bí thư kêu gọi: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đất nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những giá trị truyền thống quý giá, đặc trưng riêng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, giàu giá trị nhân văn cho đất nước Việt Nam.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: Bản sắc văn hóa các dân tộc được kết tinh từ những giá trị truyền thống quý báu, được truyền từ đời này sang đời khác, là di sản, tài sản vô giá của quốc gia. Do đó, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước. Trong đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc chính là những hạt nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong vận động, trao truyền cho con em, đồng bào mình về bảo tồn kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với từng dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Để từ đó, các giá trị văn hóa của đồng bào được bảo tồn, phát huy, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Mỗi dân tộc xác định rõ các nội dung văn hóa truyền thống cần được ưu tiên bảo tồn, phục dựng, giữ gìn cũng như hình thức, giải pháp phù hợp nhất; đề xuất cơ chế đặc thù từ Trung ương đến cơ sở…
Đại diện đồng bào mong muốn các cấp, ngành sẽ quan tâm nhiều hơn nữa để đồng bào dân tộc tiếp tục duy trì, phát huy bản sắc văn hóa, trong đó chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái hiệu quả ở mỗi vùng miền.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã vùng đồng bào dân tộc xây dựng trung tâm bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Cùng với đó là có thêm chính sách đãi ngộ, khuyến khích già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào các dân tộc. Việc này là rất quan trọng, sẽ góp phần khơi dậy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân và cộng đồng dân tộc sở hữu di sản. Các đại biểu cũng cho rằng cần thực hiện điều tra, khảo sát, phân loại các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống để có giải pháp cụ thể, phù hợp nhất…
Trên cơ sở góp ý của đồng bào, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu, từng bước xây dựng, trình ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn văn hóa các dân tộc, góp phần giữ gìn, phát huy hiệu quả giá trị truyền thống, tránh nguy cơ bị mai một, phai nhạt bản sắc dân tộc. Cùng với đó là chính sách nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, giúp đồng bào ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình.../.