Cần có định hướng phát triển cụ thể để nghệ thuật nhiếp ảnh có những bước đi nhanh hơn, phù hợp hơn theo định hướng của Đảng, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ và trí tuệ nhân tạo...
TTXVN - Gần 50 năm kể từ khi đất nước thống nhất, nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để nghệ thuật nhiếp ảnh có những bước đi nhanh hơn, phù hợp hơn theo định hướng của Đảng phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ và trí tuệ nhân tạo, nhiếp ảnh Việt Nam cần phải có những định hướng phát triển cụ thể hơn nữa.
* Phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh trong thời đại số
Theo nhà lý luận phê bình Trần Quốc Dũng, Ủy viên Ban lý luận phê bình Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, trong bối cảnh phát triển không ngừng của công nghệ số, nhiếp ảnh Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, song cũng mở ra những cơ hội. Trong đó, sự chuyển đổi từ máy ảnh cơ và phim sang máy ảnh kỹ thuật số, máy tính và phần mềm xử lý ảnh… vừa góp phần nâng cao chất lượng hình ảnh và đa dạng trong sử dụng, song cũng đặt ra những thách thức đối với đạo đức nghề nghiệp và quản lý bản quyền dưới tác động của công nghệ số.
Khẳng định công nghệ Al mang lại nhiều ứng dụng hữu ích, nhà lý luận phê bình Trần Quốc Dũng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phân biệt rõ giữa tác phẩm nhiếp ảnh chân thực và sản phẩm tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời cho rằng, cần có quy định pháp lý để bảo vệ bản quyền và đạo đức nghề nghiệp.
Ông Trần Quốc Dũng cũng đề xuất xã hội hóa nhiếp ảnh và tận dụng nguồn lực xã hội để đưa nhiếp ảnh đến gần hơn với cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiếp ảnh cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ đội ngũ nghệ sỹ trẻ, những người sẽ định hình sự sáng tạo của nghệ thuật nhiếp ảnh trong tương lai…
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Quảng Bá Hải, Chi hội phó Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Đà Nẵng khẳng định tầm quan trọng của việc thẩm định và chấm điểm ảnh nghệ thuật trong sáng tạo và công bố trưng bày. Ông Quảng Bá Hải cho rằng, với sự phát triển của công nghệ số ngày nay, việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo Al vào việc thẩm định, chấm điểm, xét chọn ảnh nghệ thuật Việt Nam là rất quan trọng, bởi một số ưu điểm trong sử dụng tính năng nhận diện và phân tích, giúp tiết kiệm thời gian và khuyến khích sự đa dạng và sáng tạo… Tuy nhiên, phát triển công nghệ số cũng khiến cho nhiếp ảnh phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thách thức về bản quyền tác giả.
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Quảng Bá Hải cũng đề cập đến xu hướng hiện đại hóa thông qua việc sử dụng nền tảng Youtube trong truyền thông và phổ biến nhiếp ảnh Việt Nam. Cùng với ưu điểm như khả năng kiểm soát lượt xem và tiện ích cho người xem, Youtube mở ra cơ hội mới cho nhiếp ảnh Việt Nam với khả năng quảng cáo và kiếm thu nhập từ nền tảng này.
Đồng quan điểm, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Duy Anh cũng cho rằng, nền tảng Youtube mở ra cơ hội lớn để các nghệ sỹ nhiếp ảnh và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh chia sẻ những hình ảnh đẹp và nghệ thuật. Bên cạnh khả năng chứa lượng lớn video đa dạng, tiện lợi cho người xem, khả năng kiểm soát, đăng ký và tương tác với cộng đồng, nền tảng Youtube còn có khả năng kiếm tiền thông qua quảng cáo, mở ra cơ hội thu nhập và quảng bá cho nhiếp ảnh Việt Nam, đóng góp vào sự đa dạng và phong phú trong lĩnh vực nghệ thuật và truyền thông.
* Con người là yếu tố tiên quyết
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Bùi Minh Sơn - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để định hướng cho sự phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam trong thời gian tới, cần chú trọng một số nội dung như: xã hội hóa phong trào nhiếp ảnh, sáng tạo phong cách, đa dạng trong sáng tác nghệ thuật nhiếp ảnh, trẻ hóa tư duy thẩm định ảnh, khai thác thị trường nhiếp ảnh...
Trong đó, xã hội hóa phong trào nhiếp ảnh là giải pháp hiệu quả, kinh nghiệm từ Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, việc kết hợp các cuộc thi với liên kết doanh nghiệp và hỗ trợ từ mạnh thường quân mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cần tập trung vào mục đích và ý nghĩa của sáng tạo thông qua các cuộc thi, đồng thời mở rộng các cuộc thi và triển lãm để chấp nhận nhiều hơn các hướng sáng tạo, phong cách và đề tài. Cần có sự quan tâm đặc biệt đối với tiềm năng sáng tạo của hội viên và tạo điều kiện cho các thể loại ảnh đặc biệt…
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định, để nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo… thì con người vẫn là yếu tố tiên quyết. Vì vậy, trước hết cần phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho tài năng phát triển. Bên cạnh đó cần kiên trì lý tưởng nghệ thuật vị nhân sinh cao cả; nuôi dưỡng khát vọng cống hiến cho dân tộc và đất nước; rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất theo gương các bậc hiền tài; lao động nghệ thuật tận hiến để có thêm được nhiều tác phẩm hay, có giá trị sâu sắc, cao đẹp về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, sâu sắc toàn diện hiện thực của đất nước, soi chiếu tâm hồn, tính cách tốt đẹp của con người Việt Nam.
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh cho rằng, để nhiếp ảnh Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới hiện nay, những người làm nhiếp ảnh cần tiếp thu những giá trị tinh hoa của thế giới, sự phát triển của nhân loại, đồng thời rút kinh nghiệm thực tế trong gần một thế kỷ qua - chặng đường mà nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại nhiều thành tựu, được Đảng và Nhà nước ghi nhận - kết hợp với sự phát triển khoa học công nghệ trong thời đại 4.0. Đặc biệt, hiện nay, khi công nghệ Al đang làm thay đổi quan niệm về sáng tác ảnh nghệ thuật, chúng ta phải chấp nhận nhiều phương pháp sáng tác, nhiều thể loại đề tài khác nhau, nhưng vẫn phải luôn đề cao về giá trị nghệ thuật hiện thực, vì nó có sức sống lâu bền, có giá trị tư liệu và trở thành di sản của lịch sử dân tộc và nhân loại, như thực tế đã chứng minh trong lịch sử phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam gần một thế kỷ qua.
Theo ông Hồ Sỹ Minh, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn tổ chức Hội, đào tạo cán bộ quản lý Hội, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về phẩm chất và năng lực chuyên môn, năng lực quản lý; chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng thế hệ văn nghệ sỹ trẻ, tài năng thành nguồn cán bộ đủ sức đảm đương kế tục và phát triển sự nghiệp; hoàn thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ văn nghệ sỹ, tôn vinh lao động nghệ thuật đích thực, đề cao những tác phẩm công phu, tâm huyết, tài năng; kiến tạo môi trường xã hội, văn hóa thuận lợi để các nghệ sỹ nhiếp ảnh khởi nghiệp, phát triển tận độ tài năng, tạo lập uy tín thương hiệu nghề nghiệp đẳng cấp quốc gia, khu vực quốc tế, để nhiếp ảnh nghệ thuật trở thành một ngành công nghiệp văn hóa theo đường lối chủ trương của Đảng và Chính phủ, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của xã hội trong thời đại khoa học kỹ thuật và công nghệ 4.0.
“Song song với việc đổi mới sáng tạo, chúng ta cần khắc phục kịp thời những mặt hạn chế, yếu kém trong sáng tác, thẩm định ảnh, lý luận phê bình… để nhiếp ảnh Việt Nam vượt qua khỏi sự trì trệ, vươn lên phát triển với một xu hướng mới, định hướng mới, tạo một niềm tin mới, không khí hào hứng mới, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, đưa nhiếp ảnh nghệ thuật lên một vị trí xứng đáng mà đang được Đảng, nhà nước, xã hội và các thế hệ quan tâm./.
- Từ khóa:
- nhiếp ảnh
- nghệ sỹ
- nghệ thuật
- văn hóa
- phát triển
- Việt Nam