Việc một số địa phương đưa ra các chính sách riêng để hỗ trợ các thôn, xóm sau sáp nhập xây dựng nhà văn hóa đã góp phần giải quyết khó khăn cho cơ sở.
(TTXVN) Sau sáp nhập, nhiều thôn, xóm trên địa bàn tỉnh Nghệ An thiếu nhà văn hóa sinh hoạt, thiếu các thiết bị để hoạt động. Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2027 mới được HĐND tỉnh Nghệ An thông qua vào tháng 11/2022 sẽ tạo đòn bẩy để nguời dân các địa phương cùng chung tay đóng góp xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.
* Chung tay xây dựng nhà văn hóa
Nhà văn hóa xóm Bắc Phượng Sơn, xã Xuân Thành là công trình mới nhất đã hoàn thành với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Trên khuôn viên hơn 100m2, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, có chỗ ngồi cho hơn 100 người, có sân chơi thể thao, khu vực nhà vệ sinh và các phần phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của thôn xóm.
Chính quyền xã Xuân Thành nhận thức được vai trò của nhà văn hóa trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nên đã ban hành Nghị quyết để hỗ trợ mỗi xóm xây mới nhà văn hóa 250 triệu đồng. Ngoài ra, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ xi măng để xây dựng sân bãi, các công trình khuôn viên.
Ông Phạm Hoàng Thụ, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành cho biết, mặc dù kinh phí đầu tư cơ bản bị hạn chế nhưng với mong muốn tất cả các xóm trên địa bàn đều có nhà văn hóa khang trang để sinh hoạt, xã đã dành một phần ngân sách để hỗ trợ các thôn xóm. Xã cũng mong muốn, ngoài nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, huyện, tỉnh có thêm kinh phí hỗ trợ để các thôn, xóm mua sắm thêm các thiết chế hoạt động.
Tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, nhà văn hóa của xóm Đông Nam cũng đã cơ bản hoàn thành sau nhiều tháng xây dựng. Công trình vừa được xây mới lại trền nền đất cũ sau khi xóm được sáp nhập từ 2 xóm Hoa Đông - Hoa Nam. Nhà văn hóa mới có diện tích sử dụng gấp đôi so với nhà văn hóa cũ. Để có công trình với giá trị gần 1 tỷ đồng này, mỗi hộ dân trong xóm đóng góp 2 triệu đồng, xã hỗ trợ 150 triệu đồng, huyện Nghi Lộc hỗ trợ 300 triệu đồng. Để nhà văn hóa được khang trang, đẹp đẽ, Hội Cựu chiến binh và các đảng viên đang sinh hoạt trong xóm đã góp thêm kinh phí làm thêm một số hạng mục trang trí và lắp đặt thêm đèn.
* Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Cũng như nhiều địa phương khác, sau sáp nhập, quy mô dân số, số hộ các xóm, tổ dân phố tại nhiều khối xóm trên địa bàn huyện Nghi Lộc tăng cao. Vì vậy các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố không đáp ứng quy mô chỗ ngồi theo quy định tại Chỉ thị 28/CT-UBND ngày 04/9/2020 của UBND tỉnh về việc quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp xóm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 204/250 nhà văn hóa có tỷ lệ số chỗ ngồi/tổng số hộ dưới 70%; nhiều nhà văn hóa đã xây dựng từ lâu, diện tích chật hẹp, không đảm bảo hoạt động trong tình hình mới. Sau khi sáp nhập, nhiều xóm, tổ dân phố không lựa chọn được nhà văn hóa hiện có để làm nhà văn hóa trung tâm của xóm, tổ dân phố mới.
Trước thực trạng này, huyện Nghi Lộc đã ban hành đề án "Nâng cao hiệu quả và chất lượng xây dựng Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn huyện Nghi Lộc giai đoạn 2021-2025". Trong đó đã quy hoạch lại toàn bộ nhà văn hóa các thôn, xóm sau sáp nhập để bố trí lại đất xây mới hoặc xây mới trên vị trí cũ hoặc đưa ra kế hoạch tu sửa. Huyện cũng đã thông qua chính sách để hỗ trợ kinh phí xây dựng các nhà văn hóa với mức hỗ trợ xây mới 30% tổng kinh phí xây dựng nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/nhà, hỗ trợ nâng cấp nhà văn hóa với 30 triệu đồng/nhà
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Nghi Lộc, với mức hỗ trợ khá cao này ngay trong năm đầu tiên đã có 22 nhà văn hóa xây mới được hỗ trợ và đều là nhà văn hóa của các thôn, xóm sau sáp nhập. Đây cũng là cơ sở để các thôn, xóm xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.
Huyện Hưng Nguyên cũng đã xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa và truyền thanh cơ sở và đưa ra chính sách hỗ trợ mỗi một nhà văn hóa được xây mới 100 triệu đồng, trong đó ưu tiên các nhà văn hóa sau sáp nhập hoặc nhà văn hóa ở những xóm đặc thù. Dự kiến mức hỗ trợ này sẽ tăng lên gấp đôi trong năm 2023 để thuận lợi hơn cho các đơn vị trong quá trình triển khai.
Việc một số địa phương đưa ra các chính sách riêng để hỗ trợ các thôn, xóm xây dựng nhà văn hóa, đặc biệt là ở những thôn, xóm sau sáp nhập góp phần giải quyết khó khăn cho nhiều thôn, xóm hiện nay. Qua khảo sát của Sở Văn hóa và Thể thao, toàn tỉnh có từ 5.884 thôn, sau sáp nhập giảm xuống còn 3.806 thôn; trong đó số thôn sau sáp nhập là 1.790 thôn. Tuy nhiên sau sáp nhập, thực trạng thiếu các thiết bị phục vụ hoạt động ở các nhà văn hóa và nhu cầu được hỗ trợ của các thôn là rất lớn. Bên cạnh đó, có trên 1.000 nhà văn hóa quy mô quá nhỏ, xuống cấp, thiếu trang thiết bị, không đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, triển khai các hoạt động.
Ngành Văn hóa đã lấy ý kiến của các ban, ngành để xây dựng Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2027. Đến tháng 11/2022, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết này với nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, hỗ trợ 50 triệu đồng/thôn về trang thiết bị hoạt động văn hóa đối với các thôn sau sáp nhập. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em gắn với thiết chế văn hóa, thể thao cộng đồng thôn bản đặc biệt khó khăn cho 588 thôn với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/thôn. Đi kèm với chính sách này, các thôn, xóm cũng cần phải đảm bảo các điều kiện như có quy hoạch quỹ đất sử dụng cho nhà văn hóa, có thiết chế văn hóa, quy mô nhà văn hóa thôn, đảm bảo tối thiểu 70% đại diện hộ gia đình trên địa bàn tham gia sinh hoạt. Tỉnh cũng sẽ có chính sách hỗ trợ với mức thưởng 20 triệu đồng/mô hình nếu thôn, xóm được nhân danh hiệu thôn văn hóa, bản văn hóa, khối xóm văn hóa 3 năm liên tục trở lên...
Ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An khẳng định, chính sách này sẽ tạo đòn bẩy cho thôn, xóm trong quá trình xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở. Để chính sách thực hiện hiệu quả cần có thêm nguồn lực và các chính sách khác của địa phương và sự vào cuộc, ủng hộ của đông đảo người dân cũng như các nguồn xã hội hóa khác./.