Văn hóa

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc: Những bức ảnh đi vào lịch sử

TP. Hồ Chí Minh

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc (tức Nguyễn Hữu Lộc, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam) vừa được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Minh Lộc trao đổi về những bức ảnh của mình.(Ảnh: Nguồn/TTXVN).

TTXVN - “Phụ nữ miền Bắc trong kháng chiến”, “Nữ tự vệ trực chiến sẵn sàng chiến đấu” là hai trong những bức ảnh của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc (tức Nguyễn Hữu Lộc, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam) vừa được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022.

"Đây là vinh dự rất lớn trong suốt cuộc đời làm báo của tôi. Để có giải thưởng này, tôi nghĩ nhiều người nỗ lực cả cuộc đời vẫn chưa thể chạm tới bởi đôi lúc còn là bối cảnh, cơ duyên cùng nhiều yếu tố khác…", Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc chia sẻ.

Nhớ lại quá trình tác nghiệp trong giai đoạn vô cùng khó khăn dưới "bom rơi lửa đạn", Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc cho biết, để có bức ảnh sinh động, ông phải đi trước, đi sớm chọn điểm, góc chụp rồi nằm phục luôn trong tư thế sẵn sàng bấm máy ghi lại khoảnh khắc khốc liệt của cuộc chiến, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Có lẽ vì thế ông đã chụp được nhiều bức ảnh “có tính thời sự nóng hơn lửa” như “Tuyến lửa Vĩnh Linh, trận đánh giải phóng Đông Hà” (Quảng Trị) hay cuộc chiến ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh và miền Đông Nam Bộ sau này.

Nữ tự vệ Quảng Bình bắn trả máy bay Mỹ. (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN).

Theo Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc, ấn tượng trong cuộc đời cầm máy của ông là 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” với hình ảnh B52 của Mỹ ném bom Hà Nội. Ông vẫn nhớ khoảng 16 giờ ngày 24/12/1972, khi đang ngồi trên nóc nhà cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, ông thấy máy bay ném bom ga Hàng Cỏ.

“Tôi chụp liên tiếp mấy tấm ảnh rồi vội vàng xuống lấy xe đạp ngay ra ga, nhờ vậy mà có nhiều tấm ảnh thời sự. Hồi đó không sợ gì cả, chúng tôi hay nói vui với nhau B52 ném chưa chắc trúng, trúng chưa chắc chết, chết chưa chắc nhặt được xác nên thường chọn những góc độ cao như các nóc nhà để chụp”, ông nhớ lại.

Tương tự, trận địa sông Hồng bảo vệ cầu Long Biên hay trận địa Ba Đình… nơi nào ác liệt nhất là ông có mặt. Nhiều khi để có tấm ảnh máy bay trong lưới lửa của pháo, ông phải “chịu trận”, đứng giữa không gian trống lia máy ngay trên đầu. Năm tháng hào hùng của phóng viên ảnh Minh Lộc còn là 10 năm tác nghiệp ở vùng mỏ Quảng Ninh. Ông đã ghi lại những khoảnh khắc đắt giá về đời sống, sản xuất, chiến đấu ở nhiều mỏ than. Ông vẫn xông pha với chiếc máy ảnh giữa khói lửa, giữa đường phố thị xã Hòn Gai không một bóng người…

Chính sự dũng cảm, chịu khó tìm tòi, sáng tạo đã làm cho những tác phẩm của ông không chỉ mang tính báo chí thời sự mà còn có tính nghệ thuật, truyền tải cảm xúc đến người xem. Nhờ sự lăn xả đó, những bức ảnh của ông phản ánh chân thật cuộc chiến khốc liệt, khoảnh khắc lịch sử ghi dấu con người, vùng trời, vùng đất, đồng thời là sự yêu nghề, tình cảm của ông dành cho quê hương, đất nước.

"Mỗi bức ảnh là một kỷ niệm ở các chiến trường từ Bắc vào Nam; mỗi chiến trường để lại cho tôi một kỷ niệm không thể nào quên. Riêng tại vùng đất mỏ Quảng Ninh đã tôi luyện lòng dũng cảm và vẻ đẹp đầy chất thơ của Vịnh Hạ Long góp phần hình thành phẩm chất nghệ sỹ trong tôi”, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc chia sẻ thêm.

Tiếng hát át tiếng bom - Thanh niên xung phong Hà Tĩnh. (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN).

Một buổi chiều tháng 5, tại nhà riêng trên đường Điện Biên Phủ (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), ông giới thiệu cho chúng tôi bộ tài sản quý gồm bộ máy ảnh hiệu Canon với các kích cỡ ống kính, dàn máy tính cùng nhiều ổ đĩa chứa dữ liệu. Trong căn phòng khoảng 30m2 còn có hàng ngàn bức ảnh màu, đen trắng được ông chụp từ năm 1955 đến nay, trong đó có nhiều bộ ảnh ghi lại những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt nhất trên các chiến trường khác nhau, nhiều tác phẩm được chọn để xét tặng giải thưởng Nhà nước vừa qua.

Bước sang tuổi 85 song Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc vẫn thu xếp cho những chuyến hành trình dài xuyên Việt để ghi lại tác phẩm ảnh về thiên nhiên, phong cảnh, đất nước, con người.

Với tính cần cù, sáng tạo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc đã và đang tiếp tục sưu tập cho mình những bức ảnh, bộ ảnh mang bản sắc riêng, có tính nghệ thuật, ảnh thời sự. Ông đã thực hiện hơn 60 cuộc triển lãm trên khắp mọi miền đất nước và đã giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ảnh lớn ở Thụy Sỹ, Liên Xô (cũ), Huy chương Bạc tại Iraq, Giải thưởng "Trăng lưỡi liềm đỏ", Huy chương Vàng tại Nga…/.

Thanh Vũ

Xem thêm