Nhà báo Phạm Văn Thính, phóng viên chiến trường miền Đông Nam Bộ của Thông tấn xã Giải phóng (sau là Thông tấn xã Việt Nam) đã chụp hàng chục nghìn bức ảnh, ghi lại những khoảnh khắc chân thực, đầy xúc động ở những thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh và công cuộc xây dựng đất nước.
TTXVN - Sinh ra tại vùng đất đầy nắng gió miền Trung (tỉnh Quảng Ngãi), Nhà báo Phạm Văn Thính (năm 1935, bút danh Văn Phương), phóng viên chiến trường miền Đông Nam Bộ của Thông tấn xã Giải phóng (sau là Thông tấn xã Việt Nam) học Đại học ở miền Bắc, hoạt động ở miền Nam và công tác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến lúc nghỉ hưu. Trên khắp chiến trường, Nhà báo Văn Phương đã chụp hàng chục nghìn bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc chân thực, đầy xúc động ở những thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh và công cuộc xây dựng đất nước.
Tuy tác nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt, ranh giới mong manh khi ta ở sát địch, địch ở sát ta đến những cuộc hành quân thần tốc trên các mặt trận nhưng hầu hết ảnh của ông thể hiện lại rất đời thường, mộc mạc. Mỗi bức ảnh, bộ ảnh là một câu chuyện đầy cảm xúc về tinh thần quả cảm, lạc quan, sự hy sinh to lớn của người lính cụ Hồ, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong trường kỳ gian khổ. Các tác phẩm của Nhà báo Phạm Văn Thính không chỉ minh chứng cho cuộc chiến khốc liệt mà còn khẳng định tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình, đậm tính nhân văn, thấm tình quân - dân.
Chúng tôi có dịp đến chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) thăm Nhà báo Phạm Văn Thính trong những ngày đầu tháng 5. Ở tuổi gần 90, ông vẫn nhanh nhẹn, tươi trẻ và đầy khí chất của người "lính" thông tấn. Ông đã chia sẻ nhiều kỷ niệm về "hoạt động" của mình. Đó là những câu chuyện, hình ảnh của phóng viên ảnh chiến trường với túi phim, máy ảnh, lựu đạn, súng cùng quân trang, quân dụng dành cho người lính. Trong điều kiện tác nghiệp vô cùng khó khăn, ông phải nếm mật, nằm gai, vượt qua bao gian nan, thử thách…
Nhà báo Phạm Văn Thính cho biết, để có những bức ảnh tốt nhất, ông phải chủ động nắm bắt tình hình, nhanh chóng chọn vị trí, ghi lại hoạt động từ hậu phương đến tuyền tuyến và ở nơi bom rơi, đạn pháo nóng bỏng...
Đưa chúng tôi xem bức ảnh “Cầu người”, ông kể lại: Sau Chiến dịch Mậu Thân 1968, khi đang cùng đơn vị bộ đội Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 hành quân qua chiến khu D, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, tôi chợt nghe lao xao phía trước nên tách đoàn vượt lên. Trước mắt tôi có nhiều nam nữ thanh niên xung phong đang dầm mình dưới nước làm cầu tải để chuyển thương binh qua suối. Tôi thật sự khâm phục, xúc động liền lấy máy ảnh chụp liên tiếp nhiều tấm ảnh rồi trở về theo đoàn quân đi.
Gửi bức ảnh “Tuổi 20 trong chiến tranh” về Tổng xã (cơ quan Thông tấn xã Việt Nam ở Hà Nội), ông chú thích thêm: Thanh niên xung phong chiến khu D, Tây Ninh dùng ván cũ của nhà kho hậu cần làm cầu bắc trên vai, chuyển thương binh vượt suối Nhum trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Ban Biên tập lúc bấy giờ đã sửa lại bức ảnh là “Cầu người”, từ đó nhiều báo, tạp chí sử dụng, nhiều người đã biết đến tên ông.
Từ những bài học đầu tiên (năm 1963), 6 tháng vượt Trường Sơn, Nhà báo Văn Phương dần tích lũy kinh nghiệm và cho ra đời nhiều tác phẩm sống động trên suốt chặng đường hành quân và ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Bằng kinh nghiệm, chút may mắn cùng cái duyên, ông chụp được những bức ảnh hiếm, có giá trị lịch sử như tác phẩm “Cầu người”, “Trên vành đai thép Tây Ninh”…
Nhà báo Phạm Văn Thính đúc kết kinh nghiệm, ngoài các thao tác kỹ thuật, độ “nhạy” của phóng viên ảnh là rất quan trọng để phán đoán, nhất là những cuộc hành quân đêm, trận đánh đồn giặc vào chiều tối.
“Để chụp được bức ảnh tốt, phóng viên cũng cần có duyên, may mắn, bởi chiến trường là khắc nghiệt, hiểm nguy, trong khi ảnh đòi hỏi khoảnh khắc, góc độ, ánh sáng… Sản phẩm của “người lính Thông tấn” là thông tin, là hình ảnh, là nguồn động viên to lớn để sốc lên tinh thần cả đoàn quân cùng hướng đến ngày đất nước toàn thắng”, ông Thính khẳng khái nói.
Trải qua bao thăng trầm, những bức ảnh vượt thời gian đi vào lịch sử - sản phẩm tâm huyết cả cuộc đời ông được ghi lại bằng chiếc máy ảnh hiệu Praktica cũ kỹ của Đức. Ông đã toàn tâm, toàn ý, dốc hết sức mình cho công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước đến tuổi về hưu (năm 1995).
Cuộc đời ông có nhiều biến cố, nhất là khi người vợ (cũng là phóng viên Thông tấn xã) mất đi những người con mang nặng đẻ đau do di chứng chất độc da cam. Dù vậy, ông vẫn luôn lạc quan trong cuộc sống bởi những cống hiến đối với ngành, với đất nước, đặc biệt, khi bước vào tuổi 90 ông được trao tặng phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho người làm báo. Đây là điều ông chưa từng nghĩ đến.
Ngập ngừng trong giây lát, Nhà báo Phạm Văn Thính xúc động chia sẻ, được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022 là vinh dự lớn. Với ông, đó còn là niềm tự hào trong cuộc đời làm báo, là công sức, xương máu của đồng chí, đồng đội trong ngành Thông tấn. Ông thật sự hạnh phúc bởi đây đây còn là vinh dự lớn cuối đời mình.
Với các thế hệ nhà báo, phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam ngày nay, ông mong tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng. Ông mong mỗi người tự thường xuyên rèn luyện đạo đức, chính nghĩa, nhân ái; chú trọng học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, chuyên môn, từ đó có thêm nhiều tác phẩm hay, bức ảnh đẹp mang lại lợi ích cho xã hội…/.