Nghị quyết 15-NQ/TW, điểm tựa để Thủ đô cất cánh: Bài 3 - Những mũi tiến công chủ lực
Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, mảnh đất của tinh thần anh dũng, quả cảm, chưa khi nào lùi bước trước khó khăn, kể cả thiên tai, địch họa.
(TTXVN) Trong hàng ngàn năm kiến tạo và phát triển, Thủ đô luôn là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Qua các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, người Hà Nội chưa bao giờ khuất phục, luôn mạnh mẽ vươn lên. Bạn bè thế giới bày tỏ sự khâm phục và ca ngợi Hà Nội là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người". Một tinh thần Hà Nội luôn tỏa sáng ở bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn nào và đó cũng là niềm tự hào bao đời nay của người dân Thủ đô. Tinh thần đó, những giá trị đó đã và đang được phát huy khi thành phố triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
* Hội tụ tinh hoa, cộng hưởng sức mạnh văn hóa quốc gia
Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, mảnh đất của tinh thần anh dũng, quả cảm, chưa khi nào lùi bước trước khó khăn, kể cả thiên tai, địch họa. Truyền thống đó được hun đúc từ đời này sang đời khác và được coi là sức mạnh nội sinh, giúp Thủ đô vươn lên mạnh mẽ, vượt qua bất kỳ rào cản nào.
Bàn về những nội dung trên trong bối cảnh Hà Nội đang thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, ông Nguyễn Viết Chức, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, khi Trung ương đặt nhiệm vụ cho Hà Nội là không chỉ giàu đẹp, hiện đại, mà còn văn hiến, là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và lý luận.
Thực tế đã chứng minh bản lĩnh người Hà Nội khi nhìn lại hơn 2 năm vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Với khối lượng công việc đồ sộ, ngổn ngang, phải giải quyết ngay cùng một lúc, chưa có trong tiền lệ, nhưng vượt lên tất cả là hình ảnh người Tràng An: Kiên trì, nhất quán, trí tuệ, sẻ chia và nghĩa tình. Đó chính là nền tảng sức mạnh tinh thần để Hà Nội chiến đấu và chiến thắng đại dịch, thực hiện "mục tiêu kép", phấn đấu đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Ngay sau đại dịch, kinh tế, xã hội Hà Nội phục hồi mạnh mẽ. Trong quý III năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 6,99%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP.
Ông Nguyễn Viết Chức cũng phân tích, trước xu thế đổi mới và phát triển trong giai đoạn tới, Hà Nội đang tập trung huy động nguồn lực, sức mạnh tổng hợp trong, ngoài nước, để tạo đột phá cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Không chỉ có nguồn lực nội sinh từ truyền thống văn hóa, khí chất người Hà Nội, Thủ đô còn là nơi hội tụ trí tuệ của cả nước khi tập trung 82% trường đại học và 80% phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm giáo sư, tiến sĩ). Bởi vậy, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, Hà Nội có quan điểm xây dựng con người hội nhập, "công dân toàn cầu" làm động lực phát triển Thủ đô. Thành phố cũng xác định phải dựa vào văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và nhân tố con người để thực hiện mục tiêu phát triển. Văn hóa và con người Hà Nội phải trở thành nguồn lực nội sinh, là nhân tố quan trọng bậc nhất để phát triển nhanh và bền vững.
* "Xoay trục" mô hình tăng trưởng
Trong 2 năm chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thực tế đã cho thấy nông thôn là "mái nhà" và nông nghiệp là "trụ đỡ" cho nền kinh tế. Nhận rõ vai trò của kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong nền kinh tế, nên khi triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW, Hà Nội đang "xoay trục" hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh… tạo điều kiện, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để dẫn dắt nông dân bắt kịp xu thế thị trường.
Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, Hà Nội đang có lợi thế phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp theo hướng này khi thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW. Nông nghiệp Hà Nội phát triển không chỉ đáp ứng cho tiêu dùng của thị trường, mà còn giải quyết những vấn đề bức xúc ở nông thôn, việc làm cho người dân, khắc phục được tình trạng ly nông bất ly hương, tăng dân số cơ học… Bên cạnh đó, trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc qua việc gìn giữ, phát triển các làng nghề, tôn vinh và phát huy giá trị các di sản văn hóa để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội sẽ đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa. Thành phố tiếp tục hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến một nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại. Kết quả Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, càng khẳng định quyết sách của Hà Nội xoay trục tận dụng lợi thế phát triển kinh tế nông thôn là bước đi đúng đắn khi thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW.
Mô hình trang trại hoa lan bốn mùa khoe sắc của Hợp tác xã Đan Hoài (Đan Phượng) là một minh chứng rõ nét cho kinh tế nông thôn.
Theo bà Huyền Bích, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài, trang trại hoa lan ở đây chỉ trồng duy nhất một loại lan Hồ Điệp, nhưng có khoảng 40 màu sắc khác nhau, trong đó có 1-2 màu đã được đăng ký bản quyền. Lan Hồ Điệp chỉ nở vào mùa lạnh, nhưng với trang trại Flora Vietnam của Hợp tác xã, lan Hồ Điệp sẽ nở quanh năm theo ý muốn của thị trường. Mỗi năm, Hợp tác xã đạt doanh thu từ cây giống và cây thương mại đạt khoảng xấp xỉ 1 triệu USD.
Từ những mô hình tiêu biểu, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, khi triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW, thành phố sẽ tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; rà soát quy hoạch đất đai và bố trí lại các vùng, các xã trọng điểm sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn...
Cho biết rõ hơn kế hoạch phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thông tin, tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, Thành ủy Hà Nội xác định sẽ tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo; chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng "Make in Viet Nam" - sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam...
Nhìn nhận về nội dung trên, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, với 42/57 làng nghề truyền thống, Hà Nội là nơi có số lượng làng nghề truyền thống nhiều nhất cả nước. Đây là di sản rất quý cũng là lợi thế của Hà Nội để phát triển kinh tế nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW.
Khi các làng nghề truyền thống của Hà Nội được quan tâm đầu tư, sẽ có cơ hội hồi sinh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao. Quan trọng hơn, kinh tế nông thôn phát triển sẽ tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động để nông dân có đời sống kinh tế và văn hóa tiệm cận với thành thị./. (Còn nữa)
Bài 4 - Kiến tạo không gian đô thị thông minh, giàu bản sắc