Chỉ đạo, Điều hành

Nghiên cứu cơ chế giám sát đảm bảo cán bộ tư pháp liêm khiết

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam", do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: CTV/TTN)

(TTXVN) Sáng 23/11, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Nghiên cứu về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam".

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam", do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản.

Khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, đảm bảo liêm chính tư pháp là đòi hỏi cơ bản của mọi quốc gia về một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, với đội ngũ cán bộ tư pháp liêm khiết, dấn thân cho việc duy trì, bảo vệ lẽ phải và công lý.

"Liêm chính là giá trị hình thành nên nhân cách, là phẩm chất cốt lõi của cán bộ tư pháp. Liêm chính là phẩm chất để đấu tranh loại bỏ tham nhũng; sự suy thoái về tư tưởng, chính trị; phẩm chất đạo đức, làm xói mòn tính công bằng của tư pháp. Vì vậy, đội ngũ cán bộ tư pháp không được lợi dụng quyền năng pháp lý của mình để thúc đẩy lợi ích cá nhân; không được để bất kỳ ai, các đồng nghiệp, người thân thích, bạn bè hoặc người quen tác động, ngăn cản, làm sai lệch hoạt động tư pháp", ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, để đảm bảo sự tuân thủ liêm chính tư pháp, một trong những cơ chế không thể thiếu là cơ chế giám sát đối với các hoạt động tư pháp.

Ở Việt Nam, thực tiễn đã khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, thiết yếu của công tác lãnh đạo. Giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp là một loại giám sát có tính đặc thù trong tổng thể cơ chế giám sát đối với quyền lực nhà nước nói chung, phù hợp với các nguyên tắc, yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải khẳng định, việc tăng cường vai trò của công tác giám sát sẽ góp phần đáp ứng ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn, nhiệm vụ xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước Việt Nam xây dựng và ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới", Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết, những nội dung mà các chuyên gia, nhà quản lý tham dự hội thảo nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, giúp cho Ban và các cơ quan có liên quan có thêm nhiều thông tin, phục vụ cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách và hướng dẫn thực hiện cụ thể các vấn đề liên quan đến định hướng xây dựng một nền tư pháp liêm chính.

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ -Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, dù đã có luật pháp và quy định, thực tế thực hiện tư pháp rất quan trọng. Việc đánh giá thực tiễn tư pháp ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống, do việc thu thập dữ liệu đáng tin cậy - ví dụ như về tính độc lập của tư pháp - là không dễ dàng. Do đó, theo Đại sứ, điều quan trọng là phải thiết lập một cơ chế giám sát và theo dõi.

Đại sứ Giorgio Aliberti đưa ra các khuyến nghị về cách cải thiện và giám sát việc tuân thủ liêm chính tư pháp ở Việt Nam, gồm thực hiện nguyên tắc luân chuyển cán bộ tư pháp; đào tạo tập huấn chuyên đề, tập trung vào các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; nâng cao nhận thức pháp luật và quyền tiếp cận thông tin của công dân; thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia quản lý hệ thống tòa án, phụ trách cơ sở hạ tầng, đào tạo, tuyển chọn, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán và Chánh án Tòa án.

Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: CTV/TTN)

Hoan nghênh tiến độ thực hiện cải cách tư pháp của Việt Nam nhằm đảm bảo các giá trị cốt lõi là độc lập, vô tư, liêm chính, đúng đắn, bình đẳng, năng lực và chuyên cần, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi nhấn mạnh: "Việt Nam đã thiết lập tương đối tốt luật pháp, chính sách về chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính tư pháp, cũng như cơ chế giám sát liêm chính tư pháp.

Việc xây dựng Quy tắc ứng xử/đạo đức dành cho Thẩm phán (2018), Công tố viên (2017) và Luật sư (2019) là những ví dụ rõ ràng về tiến bộ đã đạt được cho đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn những lỗ hổng trong việc triển khai và thực thi các công cụ này. Một số khuyến nghị để khắc phục bao gồm thành lập Hội đồng Tư pháp Quốc gia; rà soát các luật liên quan, chẳng hạn như Luật Luật sư; tăng cường tiếp cận thông tin của công chúng; và nâng cao vai trò của báo chí trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là trong lĩnh vực tư pháp".

Bà Khalidi đánh giá cao vai trò lãnh đạo và nỗ lực của Ban Nội chính Trung ương trong việc thúc đẩy liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ tư pháp. Bà ghi nhận báo cáo nghiên cứu về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo sự tuân thủ liêm chính của cán bộ tư pháp có thể giúp tăng cường tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với nhóm dễ bị tổn thương và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Một số khuyến nghị trong Báo cáo "Nghiên cứu về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" được ông Nguyễn Công Hồng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu lên là: Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ tư pháp; nâng cao trình độ dân trí nói chung, hiểu biết và ý thức pháp luật nói riêng của người dân ở mức cao; thực hiện nghiêm chế độ công khai thông tin, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhân dân; phát triển đồng bộ hệ thống bổ trợ tư pháp; hoàn thiện hệ thống pháp luật.../.

Việt Đức

Xem thêm