An sinh

Người dân vùng đầu nguồn tất bật mưu sinh trong "mùa nước nổi"

Đồng Tháp

Năm nay, mực nước trên đồng cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng lượng thủy sản có phần ít hơn.

Hiện nay, các khu vực đầu nguồn ở Đồng Tháp đang vào mùa lũ, nước tràn về ngập đồng, mang theo nhiều sản vật mùa nước nổi. Đây cũng là thời điểm người dân tất bật đánh bắt thủy sản, tăng thêm nguồn thu nhập.

Người dân ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đặt dớn bắt cá và cua trong mùa nước nổi. 
Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Năm nay, sau khi thu hoạch vụ lúa Hè Thu, nhiều cánh đồng ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) không gieo sạ vụ lúa Thu Đông mà cho đất nghỉ ngơi trong mùa lũ. Các nắp cống được mở, đưa dòng nước mang nặng phù sa vào đồng ruộng. Việc này cũng góp phần tháo chua rửa phèn, tăng độ phì nhiêu cho đồng ruộng, mang theo nguồn lợi thủy sản.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN trên cánh đồng ngập nước mênh mông ở xã Thường Thới Hậu A, từ sáng sớm đã nhộn nhịp người ra đồng đánh bắt cá, tép, cua, ốc… bằng cách đặt dớn, giăng lưới, quăng chài và nhiều cách khác. Theo người dân, năm nay, mực nước trên đồng cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng lượng thủy sản có phần ít hơn.

Mùa nước lên, ông Nguyễn Văn Hội ở xã Thường Thới Hậu A tạm gác lại việc làm ruộng để chuyển qua nghề giăng lưới bắt cá trên đồng. Từ 3 giờ sáng, ông đi giăng 30 tay lưới (đoạn lưới), đến 9 giờ sáng là đi thăm lưới. Nếu bắt được những loại cá có giá trị kinh tế thấp (cá chốt, cá linh) thì ông để dành cho bữa cơm gia đình. Còn những loại cá có giá trị kinh tế cao (cá chạch, cá trèn, cá lăng) thì ông bán, có thêm thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày.

Người dân ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) quăng chài bắt cá. 
Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Để bắt cá trên đồng, ông Võ Phước Tỷ ở xã Thường Phước 2 đặt hơn 20 cái dớn, lưới của mỗi cái dớn có chiều dài trung bình 100m. Hằng ngày, ông Tỷ đi đổ dớn vào buổi sáng và chiều được từ 50 - 70kg cá các loại như cá linh, cá thiểu, cá rô, cá sặc, cá lòng tong… để làm thức ăn cho những ao cá mà ông đang nuôi. Nhờ đó, mùa lũ đã giúp ông giảm chi phí thức ăn công nghiệp cho cá nuôi trung bình 1 triệu đồng/ngày. Nếu cho cá ăn còn dư thừa, ông sẽ bán cho người có nhu cầu với giá như cá mồi, từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, cũng tăng thêm cho ông một khoản thu nhập.

Còn anh Lương Quang Huy ở xã Thường Thới Hậu A  có thêm thu nhập trong mùa lũ với nghề câu ếch. Mất khoảng 3 giờ là anh câu được từ 1 - 2kg. Anh sử dụng cần câu dài, mồi nhử là một con nhái nhưng điều lạ là không cần lưỡi câu. Anh Huy cho biết, chỉ cần buộc mồi nhử vào sợi dây, đi quanh các con kênh, chú ý quan sát ếch nổi đầu gần bờ và nhấp mồi nhử. Khi ếch ăn mồi, anh chỉ cần kéo nhẹ cần câu lên và dùng vợt lưới hứng ếch rồi bắt lại.

Nhiều chợ ở Đồng Tháp bày bán các sản vật "mùa nước nổi" như cá linh, cua, ốc, bông súng, bông điên điển… Ven những tuyến đường khu vực biên giới (giáp với Campuchia) cũng xuất hiện nhiều điểm thu mua đặc sản mùa lũ để đáp ứng nhu cầu người dân. Cứ vào mùa lũ là chị Nguyễn Thị Điểm (ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự) lại vào ở tạm trong căn chòi giữa đồng, cách nhà hơn 5km để thuận tiện việc mua bán vì người dân thường đánh bắt thủy sản ban đêm và mang đi bán lúc rạng sáng.

Cá linh, một trong những loài cá mà người dân đánh bắt được vào mùa nước nổi ở Đồng Tháp. 
Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Chị Điểm cho hay, năm nay, đa số các loại cá có giá cao hơn mọi năm. Đặc biệt, giá cá chạch là 170.000 - 180.000 đồng/kg, cao hơn 40.000 - 50.000 đồng/kg so với năm trước. Trung bình mỗi ngày, chị thu gom được hơn 1 tấn cá các loại như cá linh, cá chạch, cá thiểu, cá heo, cá lóc… để cung cấp cho một số tỉnh miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh. "Nhu cầu của khách hàng rất lớn, có bao nhiêu là họ lấy bấy nhiêu", chị Điểm nói.

Mùa lũ về là một trong những nét đặc trưng của Đồng Tháp và một số tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân vùng đầu nguồn của Đồng Tháp đã thích nghi, sống chung với lũ. Mỗi năm, người dân đều trông chờ mùa lũ với nhiều sản vật đặc thù và bồi đắp phù sa màu mỡ cho đất ruộng./.

Người dân vùng đầu nguồn tất bật mưu sinh trong "mùa nước nổi"
Huỳnh Nhựt An

Xem thêm