An sinh

Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu

Lai Châu

Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều cộng đồng thôn, bản đã xây dựng thành công mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm.

Nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân Lai Châu đầu tư phát triển kinh tế nhờ trồng chè.
Ảnh: TTXVN phát

Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng triển khai trên địa bàn tỉnh Lai Châu, được xem là một trong những chính sách đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng, bởi chuyển hướng tiếp cận từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách, sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Bà Tòng Thị Hương, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn, mang lại hiệu quả tích cực; huy động được nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân gắn bó với rừng.

Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều cộng đồng thôn, bản đã xây dựng thành công mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm. Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã trực tiếp giúp nhiều chủ rừng trong tỉnh có kinh phí để triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống.

Năm 2023, tổng diện tích đất có rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên toàn tỉnh là hơn 451.483 ha. Đơn giá chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bình quân của tỉnh Lai Châu đã tăng từ 0,3 triệu đồng/ha năm 2012 lên khoảng 1,1 triệu đồng/ha năm 2022.

Do đó, việc triển khai thực hiện tốt chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ tác động tích cực tới công tác bảo vệ và phát triển rừng, mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho hơn 84.000 hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, với đơn giá chi trả bình quân của các hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh là 5,57 triệu đồng/hộ/năm.

Mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tăng lên, bình quân thu nhập của người dân làm nghề rừng, trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên tạo niềm vui và phấn khởi cho người dân, qua đó tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh.

Đồng thời, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được xem là bước đột phá trong việc hỗ trợ kinh phí ngoài ngân sách để bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh, bởi từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách nhà nước hỗ trợ nay chuyển sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện.

Mù Cả là một trong những xã có tổng diện tích rừng tự nhiên lớn của huyện Mường Tè với hơn 38.404 ha, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 77,92%. Bà con địa phương luôn nêu cao ý thức quản lý, chăm sóc tốt diện tích rừng được giao khoán. Hàng năm, nhân dân trong xã được hưởng khoảng 6 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, trung bình mỗi hộ được nhận khoảng 40 triệu đồng. Nhờ đó, các gia đình có khoản thu nhập đầu tư phát triển kinh tế, bà con ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ và chăm sóc tốt rừng được giao.

Phó Chủ tịch UBND xã Mù Cả Lỳ Gò Xè cho biết, từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn xã đã từng bước góp phần ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ rừng, quy định phòng chống cháy rừng cũng như sẵn sàng phương án ứng phó nếu có sự cố cháy rừng xảy ra. Đây là tiền đề và động lực để người dân Mù Cả tiếp tục nhân lên màu xanh cho những cánh rừng.

Số liệu thống kế cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, tổng thu từ dịch vụ môi trường rừng của Lai Châu đạt hơn 139 tỷ đồng, trong đó: thu từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam số tiền gần 94 tỷ đồng; thu từ các nhà máy thủy điện hơn 45 tỷ đồng.

Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả, đúng quy định pháp luật, hàng năm Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu xây dựng kế hoạch hoạt động thu, chi tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai. Cùng đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải ngân các nguồn kinh phí kịp thời, đầy đủ; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, cho các chủ rừng, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.

Từ những kết quả thực tiễn cho thấy, chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng, giảm tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh, từ đó tài nguyên rừng được bảo vệ, phát triển tốt hơn./.

PV

Xem thêm