Thời sự

Người lính đặc công Phạm Duy Đô - nhân chứng lịch sử trong giờ phút giải phóng miền Nam

Thái Bình

Cựu chiến binh Phạm Duy Đô, người con của “quê lúa, cái nôi hát chèo” - Thái Bình, được biết đến với tên gọi thân mật Đô "Gù", là một người lính đặc công với những chiến công thầm lặng và những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

*Chứng nhân lịch sử

Chuẩn bị đến dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chúng tôi tìm đến số nhà 06, ngõ 129, tổ 4, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình và được gặp cựu chiến binh Phạm Duy Đô – người lính đặc công với những chiến công đặc biệt xuất sắc. Ông Đô năm nay đã bước sang tuổi 75, vẫn khỏe khoắn và nhanh nhẹn.

Ông Đô (bên trái) đang trao đổi với phóng viên về cuộc đời quân ngũ của mình.
Ảnh: TTXVN phát

Tâm sự và kể về cuộc đời quân ngũ của mình, ông Đô cho biết, năm 19 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ và được huấn luyện tại Binh chủng Đặc công. Năm 1971, ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ đánh đế quốc Mỹ. Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, ông đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều chiến công hiển hách.

Ông Phạm Duy Đô (cầm cờ) trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử.
Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt, ngày 30/4/1975, ông là một trong những người lính đặc công đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Ông trực tiếp dẫn đường cho xe tăng của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận. Ông cũng chính là người chỉ huy kíp chiến đấu, tham gia bắt giữ Tổng thống Dương Văn Minh và nội các Chính phủ Việt Nam Cộng hòa… góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

*Ba lần nhận nhiệm vụ đặc biệt

Trong suốt cuộc đời quân ngũ, ông Phạm Duy Đô có ba lần được giao phó những nhiệm vụ đặc biệt, mang dấu ấn lịch sử quan trọng của đất nước. Lần thứ nhất, năm 1971, ông vinh dự tham gia diễn tập phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đón các vị lãnh tụ các nước: lãnh tụ Cuba Fidel Castro và Tổng Bí thư Ba Lan. Ông cùng đồng đội đã trình diễn kỹ thuật chiến đấu đặc công nước, bơi qua sông Hồng, tiếp cận sân bay Gia Lâm và thực hiện các tình huống chiến đấu đặc biệt. Màn trình diễn ấn tượng nên ngay sau đó, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã đến tận nơi bắt tay, khen ngợi tinh thần và tài năng của người lính đặc công Việt Nam.

Ông Đô xem lại những trang nhật ký chiến trường.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Chưa đầy một tuần sau sự kiện đáng nhớ đó, ông Đô lại được giao nhiệm vụ đặc biệt lần thứ hai - cùng 9 chiến đấu viên bảo vệ và dẫn đường cho 24 sinh viên Lào và Campuchia vừa tốt nghiệp từ các trường đại học y của Việt Nam vượt Trường Sơn bàn giao cho nước bạn Lào và Campuchia. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông cùng 9 đồng đội đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ suốt gần 5 tháng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn sinh viên.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt thứ hai, ông Phạm Duy Đô không trở về miền Bắc mà tiếp tục ở lại chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông được biên chế về Đại đội 1, tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116, đặc công miền Đông Nam Bộ, cùng đồng đội trực tiếp trinh sát, điều nghiên và tham gia hàng chục trận đánh quan trọng như trận đánh tại kho bom Long Bình, Chiến đoàn 43, Liên trường Thiết giáp, đánh chiếm và bảo vệ cầu Đồng Nai, sân bay dã chiến Nước Trong...

Bằng khen về thành tích phá 3 kho bom đạn trong hậu cứ Long Bình của ông Phạm Duy Đô.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Cuối năm 1973, ông nhận nhiệm vụ đặc biệt thứ ba, đây có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông. Thượng tướng Trần Văn Trà khi ấy là Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam và Trung đoàn trưởng Võ Tấn Sỹ trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông cùng hai chiến đấu viên xuất sắc là Đỗ Đức Tốc và Lê Huy Hoạt, đột nhập nội thành Sài Gòn, thực hiện điều nghiên và vẽ sơ đồ tác chiến Dinh Độc Lập, các mục tiêu vùng phụ cận. Đây là nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm và phức tạp, đòi hỏi sự dũng cảm, mưu trí và tinh thần trách nhiệm cao.

Tấm bản đồ do đại đội trưởng Phạm Duy Đô cùng đồng đội thực hiện năm 1973. Bản đồ được lưu giữ tại Bảo tàng binh chủng Đặc công.
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Được sự giúp đỡ của cơ sở cách mạng nội thành, tổ trinh sát của ông Phạm Duy Đô đã lợi dụng cả hệ thống cống ngầm để bí mật điều nghiên các mục tiêu quan trọng, thu thập thông tin và vẽ sơ đồ chi tiết Dinh Độc Lập. Sau gần nửa tháng "xuất quỷ nhập thần", Phạm Duy Đô và tổ trinh sát đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp những thông tin vô cùng quý giá cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

*Sống giản dị giữa đời thường

Sau những năm tháng chiến tranh và công tác trong quân đội, năm 1983, ông Phạm Duy Đô trở về quê hương nghỉ chế độ mất sức và hưởng chế độ thương binh 2/4. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn luôn giữ vững phẩm chất của bộ đội cụ Hồ, sống giản dị, chân thành, đầy lòng nhân ái và tiếp tục đóng góp cho cộng đồng.

Ông Trần Xuân Triều - Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh Tổ 4, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) cho biết: Dù lập nhiều chiến công hiển hách, nhưng ông Phạm Duy Đô luôn sống khiêm tốn và giản dị, luôn nhường những vinh dự cao quý cho đồng đội và là một hội viên gương mẫu, luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh và địa phương dù tuổi cao. Ông vẫn luôn giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ, sống nghĩa tình với đồng đội và bà con lối xóm.

Còn ông Phạm Ngọc Hồng, hàng xóm cùng sinh hoạt Hội Cựu chiến binh với ông Đô cho biết: Đồng chí Phạm Duy Đô, người lính đặc công năm xưa, mãi là tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, đức tính khiêm tốn và sự cống hiến quên mình cho Tổ quốc. Anh em chúng tôi ở đây ai cũng kính trọng đồng chí Đô. Ông sống rất hòa đồng, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh. Những câu chuyện về chiến công của ông luôn là nguồn động viên lớn cho người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Những tấm bằng khen và giấy chứng nhận là dấu ấn của một đời chiến đấu kiên cường, tận hiến vì Tổ quốc của ông Phạm Duy Đô.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Những đóng góp của ông Đô cho đất nước được ghi nhận bằng nhiều huân chương, huy chương và bằng khen cao quý. Đồng đội và những người biết đến ông luôn bày tỏ lòng kính phục và ngưỡng mộ trước tinh thần dũng cảm, lòng trung thành và đức tính khiêm nhường của người lính đặc công Phạm Duy Đô…/.

Vũ Quang Đán

Tin liên quan

Xem thêm