Hơn 40 cán bộ, chiến sỹ của Bắc Ninh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã có những trải nghiệm với nhiều cảm xúc xen lẫn ấn tượng tại thành phố mang tên Bác.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức "một thời hoa lửa", kháng chiến cứu quốc vẫn luôn in đậm trong trí nhớ của những cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp chiến đấu tại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 lịch sử.
Hơn 40 cán bộ, chiến sỹ của Bắc Ninh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã có những trải nghiệm với nhiều cảm xúc xen lẫn ấn tượng tại thành phố mang tên Bác trong chương trình tham quan Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Căn (sinh năm 1955 tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh), chiến sỹ Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116, Sư đoàn đặc công 305 miền Đông Nam Bộ là một trong những chiến sỹ có mặt trong đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, chứng kiến thời khắc lịch sử khi lá cờ giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Cánh quân của ông Căn gồm một tiểu đoàn pháo 37 ly và đại đội pháo 105 ly, có nhiệm vụ tiến đánh từ phía Tây Nam vào Sài Gòn. Sau khi hòa bình lập lại, ông Căn làm nhiệm vụ quân quản ở Thủ Đức, đến năm 1981, ông xuất ngũ về quê hương Bắc Ninh sinh sống và ít có dịp quay lại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trào dâng cảm xúc bồi hồi khi được đến thăm Hội trường Thống Nhất cùng nhiều đồng đội, ông Nguyễn Trọng Căn chia sẻ: "Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của tôi được lệnh đánh chiếm cầu xa lộ Đồng Nai và giữ bằng được cây cầu trọng yếu này để đại quân vào giải phóng Sài Gòn. Chấp hành mệnh lệnh, rạng sáng 27/4/1975, Đại đội 1 chia làm hai mũi áp sát cầu và nổ súng tiến công. Cùng lúc, các đơn vị khác của Trung đoàn đặc công 116 cũng phát động tấn công. Sau một thời gian chiến đấu, quân ta đã chiếm giữ được một đầu cầu Đồng Nai. Tuy nhiên, do sau đó địch tập trung hỏa lực chiếm lại cầu nên Trung đoàn 116 phải tạm rút quân. Sáng 29/4, Trung đoàn 116 bắt đầu đánh chiếm lại đầu cầu Đồng Nai và phía Nam Tổng kho Long Bình. Sau hai giờ tấn công, quân ta đã chiếm được hai mục tiêu trên, đón đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn".
Ông Căn nhớ lại, dọc đường hành quân vào nội đô, bộ đội ta ào ào tiến lên như vũ bão, vừa đi vừa hát vang “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”. Trước khí thế như chẻ tre của quân ta, lính ngụy sợ hãi cởi bỏ quân phục, vứt vũ khí để tháo chạy. Dọc hai bên đường, súng, đạn của địch vứt ngổn ngang. Đoàn xe tăng của quân giải phóng gần như thuận lợi tiến đến Dinh Độc Lập. Một số tên địch cố nổ súng từ nóc các nhà cao tầng nhưng bị Tự vệ thành nhanh chóng tiêu diệt. Đến trưa 30/4/1975, khi lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập và Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tất cả chiến sỹ đều vỡ òa trong hạnh phúc.
Về thăm lại Thành phố Hồ Chí Minh, thăm chiến trường xưa, ông Căn không khỏi xúc động khi Thành phố đã vươn mình, lột xác thành một đô thị kiểu mẫu hiện đại. Con đường Lê Duẩn năm xưa, nơi đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 từng lăn bánh, nay đã trở thành tuyến đường lớn ở khu trung tâm sầm uất, nhộn nhịp. Dinh Độc Lập, nơi lá cờ giải phóng tung bay báo hiệu hòa bình, nay đã trở thành một điểm tham quan du lịch nổi tiếng, thu hút du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhiều bạn trẻ mặc trang phục truyền thống của đất nước đến tham quan, khi thấy đoàn cựu chiến binh Bắc Ninh liền lễ phép chào hỏi; háo hức muốn nghe tiền bối kể lại những tháng ngày chiến đấu vinh quang năm xưa. Việc thế hệ tương lai của đất nước luôn ghi nhớ, trân trọng sự hy sinh của cha anh để giành lại độc lập chính là niềm mong mỏi lớn nhất của bao thế hệ cựu chiến binh. Ông Căn hy vọng các thế hệ trẻ tích cực học tập, lao động, đóng góp xây dựng đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Cùng chung tâm trạng bồi hồi, cựu chiến binh Cao Xuân Tỵ (sinh năm 1952 tại Bắc Ninh), nguyên Trung đội trưởng thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng cho biết, do hoàn cảnh khách quan, sức khỏe không cho phép, một số cựu chiến binh Bắc Ninh từng chiến đấu tại Sài Gòn, nhưng từ sau năm 1975 đến nay chưa từng có dịp quay lại thăm Thành phố. Gần nửa thế kỷ gặp lại, họ đều xúc động khi chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Thành phố sau khói lửa chiến tranh; thế hệ trẻ ham học và năng động, ngày càng tiến bộ. Là những người đã dành cả cuộc đời để chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, ông Tỵ chia sẻ, các cựu chiến binh không mong muốn gì hơn là thế hệ thanh thiếu niên lấy sự hy sinh của thế hệ đi trước làm động lực để nỗ lực học tập, rèn luyện, giúp cho dân giàu - nước mạnh, đưa đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trở lại thăm Thành phố Hồ Chí Minh, những người lính trẻ tham gia giải phóng Sài Gòn năm xưa tới tham quan Hội trường Thống Nhất; Bến Nhà Rồng, Địa đạo Củ Chi, Rừng Sác Cần Giờ… Họ cũng tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ, tham quan Thành phố bằng xe buýt hai tầng… để có thể trải nghiệm, chứng kiến sự năng động, phát triển, văn minh, hiện đại, nghĩa tình nơi Thành phố mang tên Bác./.