Tỉnh Quảng Bình triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.
Nhằm thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giữa trẻ em vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 21/8, tại thành phố Đồng Hới, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình tổ chức cuộc thi “Người thủ lĩnh tài năng” năm 2024.
Đây là hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.
Cuộc thi thu hút sự tham gia của 5 đội thi đến từ các “Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại các trường học và cộng đồng trên địa bàn, gồm: Bản Y Leng (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa); Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa); Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Rền, bản Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch); Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngân Thủy (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy).
Bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình cho biết, mô hình “Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi" được Hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Quảng Bình triển khai tại các trường học và cộng đồng, trên địa bàn 5 huyện của tỉnh. Đây là sân chơi, diễn đàn thực sự dành cho trẻ em, giúp các em không chỉ được nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi, mà còn giao lưu, chia sẻ, nâng cao nhận thức, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi.
Theo Ban Tổ chức, cuộc thi “Người thủ lĩnh tài năng” nhằm tạo điều kiện, cơ hội để các Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động truyền thông tại cơ sở; giúp các câu lạc bộ hoạt động ngày càng hiệu quả, thu hút đông đảo trẻ em tại trường học và cộng đồng tham gia. Đồng thời tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em... Cuộc thi hướng tới thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho đối tượng yếu thế, nhất là trẻ em và phụ nữ, vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, nâng cao trình độ, nhận thức mọi mặt, rèn luyện phẩm chất đạo đức và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cuộc thi cũng tạo cơ hội cho các em chia sẻ ý kiến, mong muốn và sáng kiến của bản thân để nhà trường, gia đình, cộng đồng, các cấp, ngành có trách nhiệm tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em.
Trải qua 3 phần thi: “Tầm nhìn thủ lĩnh”, “Thủ lĩnh tài năng” và “Trí tuệ thủ lĩnh”, các đội đã mang đến những phần dự thi ấn tượng, hấp dẫn, truyền tải thông điệp gần gũi, sát thực tiễn, dễ tiếp cận, bám sát thể lệ và yêu cầu. Đặc biệt, phần thi “Trí tuệ thủ lĩnh” có các bài thi hùng biện, những luận điểm rõ ràng, thuyết phục và đưa ra được giải pháp phù hợp giải quyết những vấn đề liên quan tới trẻ em, như: Quyền trẻ em; trẻ em thực hiện quyền bình đẳng giới và tham gia phòng, chống bạo lực, xâm hại; trẻ em với công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trẻ em tham gia bảo vệ trẻ em, phòng, tránh bắt nạt bạo lực học đường và trên môi trường mạng…
Theo đánh giá từ Ban Tổ chức, các đội thi không chỉ tự tin thể hiện kiến thức, hiểu biết của mình mà còn là những tuyên truyền viên tài năng, khéo léo, sáng tạo trong việc lồng ghép, chuyển thể các nội dung tuyên truyền thành các tiểu phẩm, thơ ca…, tạo sự sinh động, lôi cuốn, thu hút khán giả. Các em sẽ tiếp tục là những thủ lĩnh của sự thay đổi trong từng trường học, cộng đồng dân cư; là những người tiên phong, truyền cảm hứng trong thực hiện quyền trẻ em và bình đẳng giới; góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn.
Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích và nhiều giải Chuyên đề cho các đội có thành tích thi đấu xuất sắc. Trong đó, giải Nhất được trao cho đội thi đến từ Bản Y Leng (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa)./.