Du lịch

Nhân rộng mô hình trồng vải chín sớm gắn phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp

Phú Thọ

Vào mùa vải chín, không ít du khách tìm về xã Hùng Long, tỉnh Phú Thọ vào tận vườn trải nghiệm hái vải, thưởng thức trái chín ngay tại gốc, qua đó tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm địa phương.

Nhờ quả vải đặc sản, đời sống người dân xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng ngày một khởi sắc.
Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Nằm ở vùng trung du bán sơn địa với khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất trồng trọt phát triển. Bên cạnh cây bưởi đã trở thành thương hiệu của huyện, những năm gần đây, người dân và chính quyền địa phương đã gây dựng và phát triển thành công vùng trồng vải chín sớm (hay còn gọi là vải lòng mo) – một loại quả đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ít ai biết rằng, giống vải chín sớm này xuất hiện ở Hùng Long từ cách đây khoảng 60 năm.

Mô hình trái cây đặc sản theo hướng hàng hóa đã giúp xã Hùng Long mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối thương lái từ nhiều địa phương. Bên cạnh đó, sản phẩm vải cũng đang mở ra tiềm năng gắn với phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Vào mùa vải chín, không ít du khách tìm về tận vườn trải nghiệm hái vải, thưởng thức trái chín ngay tại gốc, qua đó tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm địa phương.

Đây là giống vải chín sớm duy nhất ở tỉnh Phú Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu và đạt chứng chỉ OCOP 3 sao. Vải chín sớm Hùng Long có độ giòn, vị ngọt đậm, hương thơm mát đặc trưng, khi ăn lưu giữ hương vị lâu hơn nên được nhiều người tiêu dùng ở trong và ngoài tỉnh ưa thích lựa chọn.

Hộ gia đình ở khu Đồng Ao, xã Hùng Long trồng gần 300 cây vải trên diện tích khoảng 3 héc ta, thu nhập bình quân đạt 350 triệu đồng/năm.
Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Ông Lê Văn Trọng, khu Đồng Ao, xã Hùng Long - một trong những hộ trồng nhiều vải nhất xã này chia sẻ, vải chín sớm ở Hùng Long được các cụ trong xã lấy giống từ Hải Dương về trồng cách đây khoảng hơn 60 năm về trước. Khi cây cho quả, ăn ngon, ngọt nên nhiều hộ đã chiết cành về trồng. Nhà ông có hơn 3 ha với 300 gốc vải lớn nhỏ. Vào mùa thu hoạch, vườn vải cho sản lượng khoảng hơn 10 tấn quả, giá bán dao động từ 35 đến 50 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 350 đến 450 triệu đồng/năm. Nhờ vườn vải, mà ông Trọng nuôi được các con ăn học đàng hoàng, cuộc sống không còn vất vả như trước.

Theo ông Trọng, vải chín sớm Hùng Long còn đang dần khẳng định vị trí trên thị trường nhờ chất lượng nổi bật. Trái vải nơi đây có vỏ mỏng, cùi dày, vị ngọt thanh, hương thơm nhẹ nhàng, ăn một lần là nhớ mãi. Chính vì vậy, vải Hùng Long luôn được thương lái săn đón và người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Đỗ Minh Huân, khu An Thọ, xã Hùng Long bộc bạch, thường từ đầu tháng 4 âm lịch (không kể năm nhuận) vải trong vườn đã bắt đầu chín và cho thu hoạch đến khoảng giữa tháng là bán hết. Cây càng già thì quả càng ngọt, cùi dầy... giá bán tại vườn thời điểm đầu mùa khoảng 35 đến 50 nghìn đồng/kg. Nhà ông Huân có hơn 120 gốc vải, năng suất đạt 3 đến 4 tấn, thu về gần 150 triệu đồng.

Xã Hùng Long hiện có hơn 52 ha vải; trong đó có 28 ha cây có tuổi đời từ 15 đến hơn 60 năm. Giống vải này đặc trưng chín sớm, ăn ngon ngọt, ráo nước, càng để lâu càng chín đẹp và đậm vị. Đây cũng là cây trồng đem lại nhiều giá trị trong phát triển kinh tế của địa phương, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Chủ tịch UBND xã Hùng Long Nguyễn Tiến Thịnh khẳng định, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, cây vải trồng ở đây sinh trưởng tốt, chất lượng trái cao, dễ tiêu thụ. Vải không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn tạo thêm việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương…

Hùng Long là địa phương duy nhất của tỉnh Phú Thọ trồng giống vải chín sớm với diện tích khoảng 52 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 8 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 430 tấn. Giá bán đầu vụ từ 35-50 nghìn đồng/kg, cao hơn nhiều so với vải thường và trồng các loại cây khác.

Nhờ có nhiều điểm nổi trội của vải chín sớm Hùng Long như quả to, quả có màu chín vàng phớt đỏ, sáng đẹp, không bị sâu đầu cuống, không bị bệnh thối nâu; vị ngọt thơm đặc trưng... được thị trường trong tỉnh và các khu vực lân cận biết đến và ưa chuộng.

Đây là giống vải chín sớm duy nhất ở tỉnh Phú Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, đạt chứng chỉ OCOP 3 sao.
Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Vải Hùng Long” và là sản phẩm OCOP 3 sao. Một trong những tiêu chí quan trọng giúp khẳng định thương hiệu nông sản đặc sản và là tiền đề để vải chín sớm Hùng Long mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu vững chắc, hướng đến xuất khẩu.

Theo ông Hà Hải Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng, thành công của mô hình trồng vải chín sớm ở Hùng Long không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh nhiều loại cây trồng truyền thống cho thu nhập thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, sâu bệnh hay thị trường tiêu thụ bấp bênh, thì cây vải chín sớm đang là một lựa chọn hợp lý để nâng cao thu nhập và phát triển bền vững.

Từ đầu tháng 5, nông dân xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng đã khẩn trương thu hoạch vải cung ứng ra thị trường.
Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Hội nông dân xã Hùng Long cho biết, để nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng đồng đều, xã Hùng Long sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật từ khâu tưới tiêu, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến kỹ thuật thu hái. Đồng thời, cũng khuyến cáo các hộ trồng vải không thu hái quả khi còn xanh hoặc chưa đạt độ chín hoàn chỉnh, tuân thủ thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm chất lượng quả và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và tiến tới có thể xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng được chú trọng triển khai, nhằm đảm bảo cho quả vải khi đến tay người tiêu dùng được đúng chất lượng

UBND huyện Đoan Hùng đang tích cực hỗ trợ nhân rộng mô hình vải chín sớm. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận cho 10 cây vải gốc để phục vụ nhân giống, đảm bảo duy trì chất lượng và tính ổn định về giống. Huyện cũng ban hành nghị quyết hỗ trợ tài chính cho các hộ dân có diện tích trồng từ 1 ha trở lên, khuyến khích mở rộng vùng trồng, phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ…/.

PV

Tin liên quan

Xem thêm