Du lịch

Phát triển du lịch biên giới, cửa khẩu gắn với văn hóa, lịch sử

Lạng Sơn

Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện công ty lữ hành đánh giá, huyện Lộc Bình có nhiều lợi thế về di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú.

Ngày 27/5, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị “Xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái huyện Lộc Bình” nhằm tìm ra những giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của huyện biên giới, thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút du khách, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Quang cảnh hội nghị. 
Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Hoàng Xuân Thuận nhìn nhận, Lộc Bình là một trong những huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của tỉnh. Với lợi thế là huyện biên giới, có đường biên giới dài 28,89 km, tiếp giáp huyện Ninh Minh, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Cùng với đó, huyện có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, mang nhiều giá trị nhân văn như: Đình Vằng Khắc, chùa Trung Thiên, giếng làng cổ 100 tuổi, khu du kích Chi Lăng - nơi đã đi vào lịch sử, trở thành những "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Núi Mẫu Sơn - điểm du lịch nổi tiếng của Xứ Lạng và cũng là điểm nhấn của du lịch huyện Lộc Bình. 
Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Đặc biệt, khu du lịch đỉnh núi Mẫu Sơn một số thời điểm phủ trắng băng tuyết vào mùa Đông trở thành điểm du lịch nổi tiếng khắp cả nước. Huyện cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn nằm trong hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn, với các điểm đến độc đáo như: Khám phá kiến trúc Pháp ở Mẫu Sơn; trũng Na Dương - nơi được ví như cửa sổ nhìn vào thế giới đầm hồ cổ đại. Không chỉ có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Lộc Bình còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nổi bật, nơi giao thoa văn hóa của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao với nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc như: Hát then, sli, lượn, múa sư tử mèo, múa võ dân tộc, bắn nỏ, nghi lễ cấp sắc của người Dao…

Đây là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch và thực tế địa phương này đã có nhiều điểm du lịch nổi bật được đưa vào khai thác khá hiệu quả như: Tuyến đường tuần tra biên giới đoạn cửa khẩu Chi Ma đến xã Bắc Xa; di tích Điểm cao 424 với cảnh quan núi non hùng vĩ của đất trời mang lại cảm xúc cho du khách gần xa. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, du lịch của huyện chưa phát triển mạnh. Hiện, chưa có nhiều sản phẩm ấn tượng có thể giữ chân du khách dài ngày; chất lượng dịch vụ còn thấp...

Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện công ty lữ hành đánh giá, huyện Lộc Bình có nhiều lợi thế về di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú gắn kết giữa rừng, sông, suối, nông trại, dược liệu, trekking và du lịch địa chất...

Núi Mẫu Sơn - một điểm du lịch nổi tiếng của Xứ Lạng và cũng là điểm nhấn của du lịch huyện Lộc Bình.
 Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Tiến sĩ Lê Quang Đăng, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam “hiến kế”, làm du lịch, để hút khách phải tạo ra điểm nhấn về sự khác biệt, đặc trưng riêng có, không bắt chước cách làm của nơi khác. Quan trọng hơn là phải luôn đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng phương án, kế hoạch hình thành thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyên Hồng, nguyên Trưởng khoa Khách sạn và Du lịch, Trường Đại học Thương mại Hà Nội cho rằng, trước mắt, huyện cần xác định đối tượng du khách nội địa và khách du lịch Trung Quốc là chủ yếu để định hướng rõ chiến lược phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm phù hợp. Khi hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện đã hình thành được nhiều điểm đến, sản phẩm đặc thù, chất lượng cao mới từng bước tiếp cận thị trường du khách khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông…

Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình Trịnh Tuấn Đông thông tin, xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã xây dựng “Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ tại các điểm đến; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; hình thành các tour kết nối giữa Lộc Bình với các huyện, thành phố trong tỉnh.

Du khách lên đỉnh núi Pia Pò (núi cha) đoạn qua “sống lưng Khủng Long” của huyện Lộc Bình.
 Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Năm 2024, có khoảng 285 nghìn lượt khách du lịch đến Lộc Bình, doanh thu du lịch đạt trên 162 tỷ đồng. Trong 5 tháng của năm 2025, huyện đã đón hơn 200 nghìn lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 123 tỷ đồng./.

Anh Tuấn

Tin liên quan

Xem thêm