An sinh

Nhiều cơ hội việc làm, người lao động Nghệ An có xu hướng về quê làm việc

Nghệ An

Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng cao, mong muốn được gắn bó ở quê nhà.

Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng cao, mong muốn được gắn bó ở quê nhà. Các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn mong muốn tuyển dụng được đủ các vị trí cho dây chuyền sản xuất.

* Mong muốn làm việc tại quê nhà

Đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An có nhu cầu tuyển dụng kỹ sư với mức lương hấp dẫn. Hơn 10 năm làm kỹ sư công nghệ thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau những ngày về quê đón Tết, anh Lê Văn Phương ở xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên nhận thấy quê hương ngày càng phát triển, có nhiều cơ hội việc làm nên anh quyết định ở lại tìm công việc mới, gần gia đình và tiện chăm sóc bố mẹ già.

Dự kiến có khoảng 2.000 lao động ứng tuyển các công việc ở 24 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Anh Phương cho biết, sau quãng thời gian làm việc xa nhà, anh cũng đã tích góp được chút vốn nhỏ để làm ăn. Tuy nhiên, giờ bố mẹ cũng đã già, anh không muốn phải đi xa nữa, nên quyết định trở về. Thấy thông tin tuyển dụng lao động của một số doanh nghiệp tại Khu công nghiệp VSIP, anh mạnh dạn nộp hồ sơ phỏng vấn và trúng tuyển. Dù mức lương không bằng trước kia nhưng anh chấp nhận để sống ổn định tại quê hương.

Cầm tấm bằng cử nhân Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân, em Vũ Thùy Linh ở thành phố Vinh đã nộp hồ sơ vào một Công ty tại Khu công nghiệp VSIP và đã trúng tuyển. Linh cho biết, mặc dù cơ hội việc làm ở các thành phố lớn khá nhiều nhưng em lựa chọn trở về quê nhà làm việc. Qua tìm hiểu, Linh nhận thấy hiện trên địa bàn có các khu công nghiệp lớn đa dạng ngành nghề, phù hợp với ngành học của em và chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp với người lao động cũng rất tốt nên em muốn làm việc tại quê hương. Hiện, Linh đang theo học lớp tiếng Trung để thuận lợi trong giao tiếp và phục vụ công việc.

Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có trên 1,6 triệu lao động, chiếm gần 50% tổng dân số toàn tỉnh (3,3 triệu người). Tuy nhiên, thực tế hiện nay, có đến 700.000 lao động đang làm việc ngoại tỉnh và gần 100.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Do đó, nhiệm vụ giúp người lao động "ly nông, bất ly hương” được các ban, ngành, địa phương Nghệ An đặc biệt quan tâm. Điều đáng mừng, từ năm 2024 đến nay, xu hướng lao động dần trở về Nghệ An lập nghiệp đang tăng dần.

* Đồng hành cùng doanh nghiệp tuyển dụng lao động

Những năm gần đây, Nghệ An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, nhất là việc chủ động, sẵn sàng các điều kiện để đón nhận thành công làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Tháng 1/2025, trên địa bàn tỉnh có 151 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 5,87 tỷ USD, các tập đoàn công nghệ thuộc chuỗi giá trị toàn cầu đã đặt cơ sở sản xuất tại Khu kinh tế Đông Nam như Luxshare ICT, Goertek, Foxconn, Sunny, Everwin, Juteng... với giá trị đầu tư gần 2,7 tỷ USD.

Ông Teng Wel Hong, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn VSIP Nghệ An cho biết: Khu công nghiệp VSIP Nghệ An hiện đã đạt tỷ lệ lấp đầy đến 90%, với 52 nhà đầu tư đa quốc gia đến từ nhiều lĩnh vực như điện tử và cơ khí chính xác, dệt may, linh kiện ô tô, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng, hóa chất, vật liệu xây dựng... Hiện có khoảng 23.000 lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp. Với việc nhiều nhà máy hoàn thành xây dựng trong năm qua, Khu công nghiệp VSIP dự kiến sẽ tạo ra hơn 30.000 cơ hội việc làm mới trong năm 2025.

Trước tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động dồi dào, các doanh nghiệp đang triển khai chính sách tuyển dụng với các tiêu chí phù hợp cũng như đãi ngộ hấp dẫn để thu hút lao động. Ngoài mức lương theo quy định, công nhân còn được hưởng nhiều phụ cấp như tiền nhà ở (đối với công nhân thuê trọ), xăng xe, thưởng chuyên cần, thâm niên, tiền ăn ca... với tổng số tiền lên tới hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, nhiều công ty có khu ký túc xá, cung cấp chỗ ở miễn phí với đầy đủ tiện nghi cho công nhân.

Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - FDI đi vào hoạt động và cần nguồn lao động lớn lên tới 45.000 lao động trong năm 2025. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp tuyển dụng đủ lao động, phục vụ công cuộc phát triển.

Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết: Ban Quản lý đã chủ động đề xuất, phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các ngành tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025 - 2030. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động trên địa bàn, nhất là địa phương có khu công nghiệp đóng trên địa bàn để thị trường lao động trên địa bàn vận hành có hiệu quả và theo chiều hướng tích cực hơn.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành từng bước gắn kết giữa đào tạo nghề với nhu cầu cần tuyển lao động của doanh nghiệp.

Đầu tháng 1/2025, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người lao động Nghệ An vào làm việc trong các khu công nghiệp và có thể vận động lao động đi làm ăn xa về quê làm việc.

Dự kiến, năm 2025 sẽ tổ chức 3 ngày hội việc làm tại 3 địa điểm để kết nối tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp VSIP; Khu công nghiệp WHA, Nam Cấm và Khu công nghiệp Hoàng Mai I, II.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch hạ tầng xã hội đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động cũng được quan tâm như nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện, khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng. Đến nay, có 4 dự án nhà ở xã hội cho công nhân đã được cấp phép đầu tư, 4 khu ký túc xá, nhà lưu trú trong khu công nghiệp đang đáp ứng yêu cầu chỗ ở cho trên 8.220 lao động (khu ký túc xá Luxshare ICT, Everwin), dự kiến đến hết năm 2025 sẽ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 25.818 người.

Người lao động cũng chú trọng nâng cao tay nghề, xây dựng ý thức tuân thủ quy trình lao động theo quy định pháp luật, quy ước giữa doanh nghiệp và người lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành và doanh nghiệp để có thể định hướng công tác đào tạo nghề sát với thực tiễn các doanh nghiệp trên địa bàn cần tuyển dụng. Qua đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chú trọng phát triển các nhóm ngành nghề phù hợp với quá trình thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu về điện tử, năng lượng xanh.

Về phía doanh nghiệp, bên cạnh thực hiện đúng, đủ các chế độ về tiền lương cho người lao động, cần tạo môi trường làm việc hài hòa, ổn định, điều chỉnh mô hình hoạt động, đáp ứng được mức thu nhập của người lao động để người lao động an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp trên địa bàn./.

Nguyễn Thị Bích Huệ

Xem thêm