Giáo dục

Nhiều trường nghề mở ngành mới thu hút học sinh

Nghệ An

Đào tạo có đầu ra, có địa chỉ theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là hướng đi những năm gần đây của Trường Cao đẳng Việt Đức Nghệ An.

Nhiều trường nghề tại Nghệ An mở ngành mới thu hút học sinh.
Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, năm nay, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề ở Nghệ An đã mở thêm nghề mới, có chính sách khuyến khích người học và nâng chất lượng đào tạo nghề.

* Đón đầu xu hướng nhu cầu nhân lực

Năm học 2024 - 2025, theo kế hoạch, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam (tỉnh Nghệ An) tuyển sinh 450 học sinh. Tuy nhiên đến thời điểm này, Trường đã có 560 học sinh đăng ký nhập học. Để thu hút học sinh, những năm qua, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Tại đây, các em vừa học văn hóa vừa học nghề; nhiều em đạt điểm số cao trong Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam Phan Xuân Dũng cho biết, bên cạnh việc đào tạo các nghề kỹ thuật truyền thống, đón đầu xu hướng nhu cầu cần nguồn nhân lực cho các công ty ở Khu công nghiệp Hoàng Mai, năm nay, nhà trường mở thêm lớp tiếng Trung, tiếng Hàn, hay lớp đào tạo về chăm sóc sắc đẹp - nghề "hot" mà nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đang cần.

Nhằm đào tạo nghề cho con, em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An, huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) đang đào tạo các nghề truyền thống như: Điện dân dụng, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, hàn, kỹ thuật máy nông nghiệp, thú y. Để đáp ứng xu thế, Trường đang sàng lọc lại các ngành có ít học sinh, mở thêm các ngành mới đáp ứng nhu cầu thị trường như chế biến món ăn nhằm phục vụ du lịch trên địa bàn.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An Lê Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư cơ sở vật chất cho ngành hàn và công nghệ ô tô để học sinh có điều kiện tốt nhất được thực hành trong môi trường làm việc hiện đại, đáp ứng yêu cầu tiêu chí của ngành nghề này; bên cạnh đó hướng tới đào tạo nghề mới như chế biến món ăn phục vụ du lịch”.

Hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ sở đào tạo nghề đang rà soát các ngành nghề có lượng tuyển sinh thấp để điều chỉnh quy mô đào tạo; đồng thời sẽ có kế hoạch mở thêm các ngành mới phù hợp với xu thế việc làm. Đến thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Nghệ An đã hoàn thành sớm công tác tuyển sinh đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

Để có kết quả trên, các trường cũng đã chủ động, quyết liệt trong công tác tuyển sinh ngay từ đầu năm bằng những kế hoạch, biện pháp cụ thể. Các nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên xuống các trường trung học cơ sở ở các huyện để giới thiệu chương trình học văn hóa, kết hợp với học nghề, giúp phụ huynh và học sinh hiểu được học nghề theo chương trình này vừa được ưu tiên tuyển sinh, quan tâm bảo đảm chất lượng đào tạo, rút ngắn thời gian học tập, vừa được hỗ trợ về học phí trong suốt quá trình học tập, tiết kiệm chi phí để lập thân, lập nghiệp.

* Nâng chất lượng đào tạo

Tháng 7 vừa qua, hơn 200 sinh viên của Khoa điện và Khoa công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Việt Đức Nghệ An vừa hoàn thành kỳ thực tập 3 tháng tại Nhà máy sản xuất linh kiện ô tô tại Hải Phòng. Trong kỳ thực tập, không chỉ được thực hành với máy móc, tạo ra sản phẩm, nâng cao tay nghề, các sinh viên còn được doanh nghiệp trả lương xứng đáng.

Đào tạo có đầu ra, có địa chỉ theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là hướng đi những năm gần đây của Trường Cao đẳng Việt Đức Nghệ An. Hai năm nay, nhà trường nhân được sự hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp VSHIP, Tổng công ty Lilama18, Khu công nghiệp Formusa… lên đến hàng trăm sinh viên chuyên ngành điện, công nghệ ô tô, hàn...

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Đức cho biết: "Nhà trường và doanh nghiệp cùng phối hợp xây dựng chương trình đào tạo để xác định chuẩn đầu ra cho sinh viên đúng với nhu cầu xã hội. Muốn vậy, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, sáng tạo nhiều mô hình dạy học hiện đại phù hợp với xu thế doanh nghiệp cần hiện nay".

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam cũng đang đào tạo 200 lao động ngành Tin học ứng dụng theo đơn đặt hàng từ Công ty Honda Việt Nam. Công ty này cam kết lao động sau khi được đào tạo ở Trường sẽ được nhận vào làm việc với mức lương từ 10 - 12 triệu đồng/tháng, chỉ cần có tay nghề ở mức thiết kế được những phần mềm nhỏ hoặc làm được một vài modul theo yêu cầu.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam Phan Xuân Dũng cho biết, hầu hết học sinh được đào tạo ngành Tin học ứng dụng tại Trường đều có thể làm được công việc theo yêu cầu của phía đặt hàng, các em được nhận mức lương ổn định và được đảm bảo công việc dài lâu. Những năm tới, Trường vẫn sẽ tiếp tục mở ngành này, vì ngoài đơn hàng của công ty cũ, trường còn tiếp tục nhận được một vài đơn hàng của các công ty khác cũng với yêu cầu tương tự.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Nghệ An có khoảng 82-85 nghìn người có nhu cầu học nghề các cấp trình độ, với tổng số 57 nghề. Cụ thể, nhóm nghề nông nghiệp chiếm từ 45-46,5%, nhóm nghề phi nông nghiệp chiếm từ 53,5 - 55% nhu cầu học nghề toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long khẳng định, để tạo nhiều cơ hội việc làm có mức thu nhập cao cho lao động trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý lao động địa phương với các doanh nghiệp; giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty để ký kết thỏa thuận thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, sử dụng; phát triển đa dạng các hình thức đào tạo, như: liên kết đào tạo kèm cặp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; trang trại, truyền nghề. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần thực hiện tốt công tác khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường sử dụng lao động gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng ngành, từng địa phương gắn với vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và thị trường lao động trong, ngoài nước.

Ông Bùi Đình Long cho rằng, các trường nghề cũng cần tập trung vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nâng chất lượng đào tạo nghề để thật sự hấp dẫn. Điều này đòi hỏi các trường phải thay đổi chương trình, nội dung dạy học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, phương pháp đào tạo và đổi mới trang thiết bị; tăng tỷ lệ thực hành, thiết kế cho người học được đến doanh nghiệp trải nghiệm. Đây cũng là cách giúp các trường tiết kiệm được kinh phí đầu tư mua trang thiết bị, học sinh được trang bị kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hòa nhập được ngay thị trường lao động với mức thu nhập khá./.

Nguyễn Thị Bích Huệ

Xem thêm