Làng nghề làm đèn ông sao tại thôn Báo Đáp có từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ già đến trẻ đều thuộc lòng các công đoạn làm đèn ông sao.
TTXVN - Tết Trung Thu đang đến gần cũng là lúc người dân làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) - một trong các làng nghề làm đèn ông sao lớn nhất miền Bắc bận rộn, tất bật hơn. Năm nay, giá các loại đèn ông sao truyền thống cao hơn so với mọi năm khiến người làm nghề thêm phấn khởi.
Làng nghề làm đèn ông sao tại thôn Báo Đáp đã có từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại đây, mọi người từ già đến trẻ đều thuộc lòng các công đoạn làm đèn ông sao. Vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm có: tre nứa, giấy bóng kính, keo dán, dây thép, cây đay làm cán... Theo ông Vũ Văn Trùng (một người có thâm niên làm đèn ông sao tại làng), để làm được một chiếc đèn ông sao phải trải qua khá nhiều công đoạn và được thực hiện hoàn toàn thủ công, thậm chí keo dán đèn được làm theo cách truyền thống từ bột gạo để tiết kiệm và tạo sự an toàn cho trẻ em khi sử dụng. Để có được một chiếc đèn ông sao đẹp, ngoài tính kiên trì cũng đòi hỏi phải có sự khéo léo từ người thợ.
Ông Trùng cho biết, nhà ông làm đủ các loại đèn ông sao, từ loại nhỏ, loại trung cho đến loại lớn. Trung bình mỗi năm, cơ sở của ông sản xuất khoảng 30.000 chiếc đèn ông sao bán đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế... để phục vụ nhu cầu chơi trong dịp Tết Trung Thu của thiếu nhi.
Sau những năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và sự cạnh tranh khốc liệt từ những loại đồ chơi hiện đại, năm nay, nhu cầu đèn ông sao truyền thống tăng cao, giá bán cao hơn. Loại đèn nhỏ dao động từ 4.000 - 5.000 nghìn đồng/chiếc tùy từng thời điểm. Đèn cỡ trung từ 7.000 - 8.000 nghìn đồng/chiếc. Đèn lớn từ 8.000 - 10.000 nghìn đồng/chiếc. Trừ chi phí, người làm nghề thu được từ 180.000 - 250.000 đồng/người/ngày.
Nghề làm đèn ông sao tuy được coi là “nghề phụ” nhưng lại là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình thuần nông nơi đây. Từ năm 2019, gia đình anh Nguyễn Văn Vinh nhận làm thêm đèn ông sao để tăng thêm thu nhập. Năm nay, anh Vinh chọn làm loại đèn ông sao nhí, kích cỡ khoảng 20 cm. Loại đèn này bán chạy hơn so với các loại khác, dễ làm. Các con của anh Vinh cũng tranh thủ phụ giúp trong lúc được nghỉ học. Anh Vinh cho biết, để có hàng kịp giao cho khách hàng, anh phải dậy từ 6 giờ chuẩn bị nguyên liệu làm đèn và đến tận 21 giờ mới nghỉ. Trung bình mỗi ngày, gia đình anh làm được từ 300 - 400 chiếc đèn ông sao; được các đầu mối trả công 1.000 đồng/chiếc.
Thời kỳ hoàng kim, làng nghề Báo Đáp có 7 thôn với khoảng 1.000 hộ, có tới 300 gia đình làm đèn ông sao truyền thống. Làm đèn ông sao trở thành nghề chính của người dân nơi đây. Tuy nhiên, do cơ chế thị trường cùng với sự phát triển nhanh chóng của các loại đồ chơi hiện đại, đèn ông sao dần bị lãng quên. Đến nay, chỉ còn hơn 20 hộ theo nghề.
Bà Hoàng Thị Hiền (người có thâm niên hơn 40 năm làm đèn ông sao) cho rằng, hiện nay, trẻ em có quá nhiều sự lựa chọn. Ngoài các loại đồ chơi hiện đại, bắt mắt, sự phát triển của công nghệ cũng làm lớp trẻ xa rời với đèn ông sao truyền thống. Mặt khác, ngày công lao động thấp lại cần nhiều thời gian khiến cho các bạn trẻ không còn mặn mà với nghề này.
Những chiếc đèn ông sao đã gắn liền với phong tục, tập quán và văn hóa cổ truyền của người Việt Nam. Từ sau COVID-19 đến nay, nhu cầu của thị trường về làm đèn ông sao trong dịp Tết Trung Thu ngày càng tăng. Đây chính là động lực giúp số ít những người dân làng Báo Đáp tiếp tục gắn bó với nghề./.
- Từ khóa:
- làng nghề làm đèn ông sao
- Báo Đáp